Đời sống

Hành trình đầy tự hào của người Thẩm phán mẫu mực

N.Sự - T.Phan 30/04/2025 - 17:51

Với 75 tuổi đời, 54 tuổi Đảng và 34 tuổi nghề, ông Đặng Trọng Được, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa được xem là một trong những “cây đại thụ” của ngành Tòa án Thanh Hóa, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Từ người lính trên chiến trường

Trước khi trở thành cán bộ Tòa án, ông Đặng Trọng Được từng là người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), bao kỷ niệm lại ùa về, trong lòng ông lại trào dâng niềm xúc động.

anh-3-kem-bai-nguoi-tham-phan-tron-doi-cong-hien-cho-nganh-toa-an-thanh-hoa(1).jpg
Kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh, cống hiến thời bình, ông Được được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Năm 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đặng Trọng Được khi ấy vừa tròn 20 tuổi đã gác lại việc học lên đường nhập ngũ.

Sau 4 tháng huấn luyện gian khổ, tháng 8/1970, ông cùng đồng đội được lệnh lên đường đi chiến trường B2. Những tháng ngày hành quân, đi bộ dọc đường Trường Sơn, cuộc sống của người lính lúc này bốn bề rừng núi, chịu đói, chịu rét, "ăn núi ngủ rừng" vất vả gian nan.

“Trên đường hành quân, chúng tôi không chỉ chống chọi với bệnh sốt rét mà còn phải đối mặt với những trận mưa bom khi địch phát hiện. Trong Tiểu đoàn của chúng tôi đã có một vài đồng đội vĩnh viễn nằm lại với rừng Trường Sơn vì bom đạn, sốt rét và rắn cắn. Hồi đó gian khổ không thể nói hết được”, ông Được xúc động kể lại.

Chính những gian khó, hiểm nguy đã tôi luyện nên những bước chân rắn rỏi của người lính cụ Hồ cùng những trái tim rực lửa quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với ý chí, quyết tâm, ông Được cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào chiến trường B2 để tham gia chiến đấu. Khi đến tỉnh Kratie, Campuchia, ông bị sốt rét nặng nên ở lại Trạm liên lạc đường dây 559. Tại đây, sau khi khỏi bệnh sốt rét, ông được phân công nhiệm vụ làm quân lực của trạm. Sau đó, ông chuyển về Tiểu đoàn công binh thuộc Đoàn Hậu Cần 340 để làm nhiệm vụ bắc cầu, làm đường.

Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, nhưng những người lính công binh như ông Được vẫn luôn có mặt tại nơi ác liệt nhất, mở đường để chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Đến trưa ngày 30/4/1975, đơn vị ông nhận được tin mừng Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. “Đó là thời khắc đặc biệt không thể nào quên. Cả đơn vị vỡ òa cảm xúc. Ai cũng rưng rưng nước mắt vì từ đây đất nước hòa bình, thống nhất”, ông Được xúc động nói.

Với những chiến công thầm lặng đóng góp vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Đặng Trọng Được đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba (năm 1975), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba (năm 1975), Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất…

… Đến Thẩm phán mẫu mực, tận tụy

Nổi bật trong cương vị công tác của ông là giai đoạn ông giữ chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa (từ tháng 9/2000 - 2010). Thời điểm đó, ông được phân công phụ trách án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Ông thường xuyên đi sâu, đi sát theo dõi nắm chắc từng loại án, loại việc cả về số lượng và chất lượng các vụ án để triển khai giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Dù ở cương vị nào, ông luôn thể hiện sự thận trọng, khách quan và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi hồ sơ vụ án qua tay ông đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, mọi chứng cứ đều được xem xét thấu đáo, và mỗi phán quyết đưa ra đều dựa trên cơ sở pháp luật vững chắc và lương tâm nghề nghiệp trong sáng.

Trong suốt quá trình công tác, ông không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức người cán bộ Tòa án như lời dạy của Bác Hồ: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để giữ cán cân công lý, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.

Trên cương vị Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, ông Đặng Trọng Được còn có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý, điều hành và xây dựng hệ thống TAND tỉnh ngày càng vững mạnh. Ông luôn trăn trở với việc nâng cao chất lượng xét xử, cải cách thủ tục hành chính tư pháp, và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án, góp phần đưa TAND tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong khu vực.

Không chỉ là một Thẩm phán giỏi chuyên môn, ông Được còn được đồng nghiệp kính trọng bởi những phẩm chất đạo đức mẫu mực, sự liêm chính, trung thực và tinh thần thượng tôn pháp luật luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của ông.

Cuối năm 2010, ông Được nghỉ hưu theo chế độ, khép lại một hành trình đầy tự hào. Trải qua 34 năm công tác, trong đó có 29 năm công tác trong ngành Tòa án, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng ở bất kỳ cương vị nào, ông Đặng Trọng Được cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đạt được những thành tích đáng ghi nhận như: Huân chương Lao động hạng Ba; Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”,…Nhiều năm liền ông được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành TAND, được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen...

Nhớ về những năm tháng đã qua, ông Đặng Trọng Được vẫn mỉm cười mãn nguyện với những gì mình đã cống hiến. Sự tận tụy và những đóng góp của ông sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ Tòa án noi theo, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ công lý trên mảnh đất xứ Thanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hnh trình đầy tự ho của người Thẩm phán mẫu mực