Nghe lời bùi tai bà Nguyễn Thị Ngọc trú tại xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa đã cho vợ chồng em họ mượn sổ đỏ để làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Khi người này mất khả năng thanh toán, bỏ đi khỏi nơi cư trú thì bà Ngọc mới tá hỏa vì số tiền vay quá lớn và nhiều thủ tục được làm mình không hay biết.
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1974), do nhẹ dạ nên đã nghe theo lời của vợ chồng em họ Nguyễn Thị Lâm và Nguyễn Văn Tùy (trú tại xã Hoằng Tân, Hoằng Hóa) mang sổ đỏ gia đình tại thôn Đồng Lòng, xã Hoằng Tân để đi thế chấp vay của ngân hàng.
Theo đó, ngày 5/7/2022, bà Ngọc được vợ chồng em họ dẫn tới một ngân hàng thương mại trên địa bàn để đặt bút ký, lăn tay vào Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên thứ 3).
Mặc dù từ đầu thỏa thuận chỉ vay với mức 500 triệu đồng nhưng thực tế số tiền được vợ chồng em họ vay lên tới 1,7 tỷ đồng (thời hạn vay tháng). Đến khi ông vợ chồng em họ làm ăn thua lỗ, rời khỏi địa phương thì bà Ngọc mới phát hiện số tiền thực tế đã vay.
Tá hỏa hơn khi xem vào phần định giá tài sản, khu đất thuộc nơi “khỉ ho, cò gáy” với ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng mà được định giá lên tới 2,448 tỷ đồng. Đáng nói, giá trị tài sản thế chấp này được cho là dùng làm cơ sở xác định mức cấp tín dụng của ngân hàng.
Đáng chú ý, theo giấy chứng nhận kết hôn số 08, được UBND xã Hoằng Tân cấp ngày 4/2/2009, bà Nguyễn Thị Ngọc đang có chồng là ông Q.. Giữa ông Q. và bà Ngọc có 2 người con chung. Đời chồng trước (đã mất do tai nạn giao thông) bà Ngọc có sinh được 1 cô con gái.
Thế nhưng trong hồ sơ vay vốn của ngân hàng bỗng dưng lại xuất hiện văn bản không số, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, do ông Trần Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tân cấp ngày 10/6/2022 xác nhận: "Bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1974, tình trạng hôn nhân: Có con ngoài hôn thú, cho tới thời điểm hiện nay chưa kết hôn với ai".
Trao đổi với PV về giấy xác nhận này, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tân Trần Đức Ngọc cho biết: Khi nhận được thông tin xuất hiện 2 văn bản xác định tình trạng hôn nhân của chị Ngọc, ông đã yêu cầu cán bộ tư pháp hộ tịch, Phó Chủ tịch xã rà soát xem có lưu trữ hay trình ký hay không.
"Tuy nhiên, tại sổ lưu của UBND xã không thể hiện việc xã cấp văn bản này. Tôi đã viết giấy giới thiệu cho cán bộ lên ngân hàng để sao chụp hồ sơ để đối chiếu nhưng ngân hàng không hợp tác. ", Chủ tịch UBND xã Hoằng Tân nói.
Cũng theo ông Ngọc, đại diện phía ngân hàng cho vay đã về địa phương làm việc vài lần liên quan tới các hồ sơ, thủ tục vay vốn của người dân trên địa bàn. “Chúng tôi đã cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ có liên quan. Ngân hàng đã bỏ qua quy trình thẩm định, xác minh tài sản tại địa phương. Tài sản quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được cấp cho bà Ngọc đang là tài sản chung.”, ông Ngọc thông tin.
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, tại bản án số 08/DSST ngày 25/7/2002 của TAND huyện Hoằng Hóa quyết định: Buộc bố chồng bà Ngọc giao lại cho mẹ, con chị Ngọc được quyền sở hữu gồm: 1 nhà mái bằng hướng tây nam, 2 gian bếp, 2 gian chuồng lợn, tường rào bao quanh diện tích đất bằng 426 m2 tại thửa số 3, tờ bản đồ số 1 bản đồ địa chính xã Hoằng Tân và 1 số tài sản khác có tổng giá trị 61,36 triệu đồng.
Đáng nói, thời điểm chị Ngọc cho mượn tài sản để thế chấp ngân hàng, con gái với chồng trước (đang ở cùng) đã đủ tuổi trưởng thành lại không ký nhận hay được thông báo gì là không đảm bảo quy định. Chưa kể chồng bà Ngọc là ông Q. cũng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản thế chấp.
Đã có không ít trường hợp, chủ sở hữu hợp pháp cho người khác mượn tài sản (sổ đỏ) để đi thế chấp ngân hàng, tới khi bên thứ 3 không có khả năng thanh toán đã phải khăn gói ra khỏi căn nhà vốn là của mình. Vì vậy, qua câu chuyện này cho thấy, người dân cần hết sức cẩn trọng, đừng vì lời dụ ngọt hay ham chút lãi suất mà đối diện nguy cơ trắng tay, mất hết tài sản. Đến khi nhận ra thì mọi việc đã muộn, xử lý hậu quả rất phức tạp.