Bị rắn hổ mang tấn công khi đang dọn vườn, ông T. (55 tuổi, ở Thanh Hóa) phải nhập viện cấp cứu với ngón tay có dấu hiệu hoại tử.
Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với ngón trỏ hoại tử đen tím. Các bác sĩ truyền huyết thanh chống độc, cho bệnh nhân uống kháng sinh, điều trị với hy vọng giữ được ngón tay.
Một trường hợp khác, bà N.T.K. (50 tuổi, ở Hà Nội) bị rắn hổ mang cắn khi cắt cỏ, tháo nước ở ruộng. Sau khi bị rắn cắn, bà được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ đã chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Sau nhiều ngày theo dõi, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, gần đây Trung tâm chống độc tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn. Phổ biến là bị rắn hổ mang, rắn lục cắn, một số ít trường hợp gặp rắn cạp nong cạp nia. Nhiều người bị hoại tử tay hoặc chân nghiêm trọng, nguy cơ phải tháo đốt, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Hai trường hợp trên may mắn khi đến viện kịp thời nên vết thương chưa hoại tử. Đơn vị từng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn nguy kịch, hôn mê cả tháng do chủ quan, chậm trễ đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyên, mỗi loại rắn có độc tính khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của nạn nhân phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Cách điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu bị rắn cắn, chậm nhất trong giờ.
Hiện số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là rắn hổ mang. Xếp thứ hai là rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn.
Người dân Việt Nam thường có thói quen chủ động bắt rắn. Điều này dẫn đến những trường hợp nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, những tai nạn hy hữu cũng có thể xảy ra do sự thiếu thận trọng của người dân.