Sức Khỏe

Hoại tử tay sau 5 ngày chữa rắn hổ mang cắn bằng thuốc nam

Chí Tâm 29/04/2023 21:03

Bị rắn hổ mang cắn vào tay, người đàn ông ở Quảng Ninh không đến cơ sở y tế mà tự đắp thuốc nam điều trị khiến ngón tay bị hoại tử.

Ngày 29/4, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.M. (42 tuổi) nhập viện với ngón tay sưng phù hoại tử. 

ngontay-4-2-.jpg
Ngón tay bệnh nhân bị hoại tử sau khi đắp thuốc nam chữa rắn cắn

Khai thác tiền sử, được biết 5 ngày trước khi vào viện, anh M. bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay khiến ngón tay sưng, đau. Nghe một số người mách, anh đắp thuốc nam điều trị, sau đó ngón tay không ngừng đau nhức và chảy dịch, anh vội vàng đến bệnh viện để kiểm tra.

Lúc này, ngón tay của bệnh nhân đã bị hoại tử nên các bác sĩ phải phẫu thuật tháo bỏ ngón III bàn tay trái.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tháo bỏ ngón thứ 3 của bàn tay trái, xử lý tổn thương. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Căn cứ vết rắn cắn, bác sĩ xác định là rắn hổ mang, dùng huyết thanh kháng độc.

Theo bác sĩ, cách nhận biết bị rắn độc hay rắn lành cắn thường dựa vào dấu vết răng trên da. Rắn độc thường có hai răng độc lớn (gọi là móc độc), ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó vết thương thường có 1-2 dấu vết răng nanh. Trong khi đó, rắn lành cắn để lại vết của cả hai hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung, không có vết răng nanh.

Cách sơ cứu khi bị rắn cắn

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, không được tự ý sử dụng thuốc nam để chữa bệnh có thể gây hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn huyết; rối loạn đông máu... khiến cho việc điều trị khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí rất tốn kém và thậm chí có thể tử vong nếu nhiễm trùng kéo dài không được điều trị kịp thời.

Khi bị rắn cắn cần sơ cứu bằng cách:

- Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng

- Không để bệnh nhân tự đi lại;

- Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn);

- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường;

- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động;

- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoại tử tay sau 5 ngy chữa rắn hổ mang cắn bằng thuốc nam