Nhịp cầu Công lý

Hoàn Kiếm, Hà Nội: Vì sao khu đất “vàng” bất ngờ thay đổi dự án đầu tư?

K.Nguyên 10/01/20 - 09:46

Ngày 27/12/2023, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ban hành một loạt Quyết định thu hồi đất đối với 13 hộ dân tại 43F -47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo để thực hiện dự án Xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Đáng nói, cũng tại khu đất này, cách đây 30 năm, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định thu hồi đất do các đơn vị và gia đình đang sử dụng, để xây công trình Kho Bạc Nhà nước. Vậy, có hay không chuyện quyết định “chồng” quyết định, quy hoạch “chồng” quy hoạch?

Dự án trụ sở Kho bạc Nhà nước bị “treo” 20 năm

Cách đây hơn 30 năm, ngày 10/5/1993, UBND TP Hà Nội có Giấy phép sử dụng đất (GPSDĐ) số 853 UB/XDCB giao cho Cục Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính (KBNN) sử dụng khu đất 1.417m2 tại góc phố Ngô Quyền (NQ)- Trần Hưng Đạo (THĐ) để dựng KBNN

Đến ngày 13/7/1995, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Quyết định số 2260/QĐ thu hồi 1.328 m2 đất do Sở Nhà đất, Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và 33 hộ gia đình đang sử dụng tại góc phố NQ và THĐ, giao KBNN để xây dựng trụ sở (K92).

Gần 4 năm sau, trong khi việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa được thực hiện xong thì UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định điều chỉnh giảm diện tích thu hồi còn 1.233,7 m2.

Liên tiếp các năm sau đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành tổng cộng 8 Quyết định nhằm “gia hạn hiệu lực của quyết định thu hồi đất số 2260/QĐ”. Cũng trong thời gian này, UBND quận Hoàn Kiếm cũng ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) đối với hộ dân, cũng như các Quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án BTHTTĐC.

Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều không đồng ý với việc thu hồi đất và mức bồi thường nêu trên vì cho rằng, theo Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm do UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2000 thì ô đất đang thực hiện dự án (C43) được quy hoạch là “đất ở” (ký hiệu NO) nên việc duy trì dự án xây dựng trụ sở cơ quan là không đúng; Có dấu hiệu “lợi ích nhóm” khi thành phố Hà Nội có hai lần giảm diện tích đất của dự án (từ 1.417m2 xuống 1.233,7 m2), trong đó có việc “ưu ái” cho Công ty Kinh doanh Nhà số 2 xây dựng nhà 5 tầng trên diện tích đất tại số 43E Ngô Quyền trong khi diện tích này đã được xác định trong GPSDĐ do UBND TP Hà Nội ban hành.

thd.jpg
Khu đất 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo từng bị thu hồi để xây Kho bạc Nhà nước, nay lại bị thu hồi để xây trường học.

Lý giải về vấn đề quy hoạch, năm 2006, UBND TP Hà Nội có Quyết định giải quyết đơn của các hộ dân, cho rằng: việc quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm quy định chức năng ô đất C43-NO không đúng với dự án KBNN đang triển khai là do Kiến trúc sư trưởng thành phố (tức Sở Quy hoach kiến trúc) có “sai sót” trong việc lập hồ sơ quy hoạch để báo cáo thành phố.

Tại Quyết định giải quyết khiếu nại trên, UBND TP Hà Nội khẳng định rõ tính hiệu lực của các văn bản như: GPSDĐ đã cấp cho KBNN năm 1993, Quyết định thu hồi đất của các hộ dân để giao KBNN xây dựng trụ sở KBNN năm 1995, cũng như quy hoạch “đất xây trụ sở cơ quan KBNN”. Đến năm 2010, cả UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm vẫn ban hành nhiều quyết định thể hiện “quyết tâm” triển khai dự án KBNN. Thế nhưng chỉ ít năm sau, đã xuất hiện cái gọi là dự án Trường tiểu học Võ Thị Sáu “chồng” lên quy hoạch khu đất này.

Triển khai dự án Trường học có phù hợp?

Ngày 10/6/2014, UBND TP có văn bản giao Sở TN&MT hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm lập hồ sơ thu hồi 1.233,7m2 đất tại 43F -47C NQ và 36A THĐ do KBNN đang thực hiện việc GPMB, giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện GPMB để xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Đến ngày 31/03/2017, UBND Quận Hoàn Kiếm đã có Thông báo thu hồi khu đất số 36A THĐ, 43F-47C NQ để thực hiện đầu tư xây dựng Trường Võ Thị Sáu thay cho dự án KBNN. Mới đây, ngày 27/12/2023, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục ban hành một loạt Quyết định thu hồi đất đối với 13 hộ dân tại đây để thực hiện dự án xây dựng Trường Võ Thị Sáu và các Quyết định phê duyệt phương án BTHTTĐC đối với các hộ.

Trao đổi với phóng viên, đại diện hộ bà Chu Thị Hồng (43 F NQ) cho biết, đến nay bà chưa nhận được Quyết định hủy bỏ dự án xây dựng KBNN, Quyết định hủy bỏ GPSDĐ do UBND TP Hà Nội cấp cho KBNN năm 1993, Quyết định hủy bỏ Quyết định của UBND TP Hà Nội thu hồi đất của các hộ dân, giao KBNN xây dựng trụ sở năm 1995; Quyết định hủy bỏ Quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt phương án bồi thường…

Như vậy, hiện nay, đang có 2 quyết định phê duyệt dự án đầu tư (của Bộ Tài chính và UBND quận Hoàn Kiếm), 2 Quyết định thu hồi đất (của UBND TP Hà Nội và của UBND quận Hoàn Kiếm) và 2 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường (cùng của UBND quận Hoàn Kiếm) đang có hiệu lực, tương ứng với hai dự án “chồng” lên nhau trên khu đất đang sử dụng? Bà đã nhiều lần có đơn đề nghị chính quyền làm rõ lý do hủy dự án KBNN nhưng đều không được trả lời.

Về vấn đề quy hoạch chuyển từ đất xây trụ sở KBNN sang xây trường học, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàn Kiếm từng có văn bản trả lời các hộ dân rằng, dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được triển khai là phù hợp với định hướng quy hoạch trong khu vực, chủ trương của TP và theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Không đồng ý với trả lời trên, một hộ dân cho biết, “ Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND TP Hà Nội nêu rõ “hệ thống trường học (trung học cở sở, tiểu học, mầm non) được xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang trên cơ sở hiện có và được bổ sung từ quỹ đất thuộc các danh mục các vị trí di dời chuyển đổi chức năng (theo Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/20 của Thủ tướng”.

Còn Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì khẳng định “hệ thống giáo dục phổ thông và mầm non: Khu vực nội đô, tăng diện tích xây dựng trường thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan…”.

Như vậy, có thể thấy, việc UBND quận Hoàn Kiếm thu hồi đất ở của dân để thực hiện dự án xây trường tiểu học là không đúng với các văn bản trên của UBND TP Hà Nội và Thủ tướng. Đó là chưa kể Trường tiểu học Võ Thị Sáu đang hoạt động ổn định tại 2 địa điểm là 35 Trần Hưng Đạo, 18 Hàm Long ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hon Kiếm, H Nội: Vì sao khu đất “vng” bất ngờ thay đổi dự án đầu tư?