Sáng 10/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tiếp toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 20
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quán triệt, triển khai có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Nhất là tham mưu, khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến công ty Việt Á, công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, lĩnh vực đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, công tác của ngành Nội chính Đảng nói riêng và các cơ quan nội chính nói chung luôn luôn là những vấn đề khó, nhạy cảm vì đụng chạm đến sinh mệnh chính trị của con người, liên quan chặt chẽ đến sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Vì vậy cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng cần phải bản lĩnh, liêm chính, có trái tim nóng và cái đầu lạnh; thận trọng, khách quan, công tâm; luôn cầu thị, khiêm tốn, học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan nội chính chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng yêu cầu thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, trước hết là các cơ quan nội chính chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh, trật tự, không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ.
Cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy?
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lưu ý, nhiệm kỳ này, đến nay có 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, cán bộ vi phạm.
Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ, sự việc nào cơ bản cũng có móc nối giữa cán bộ nhà nước với thành phần thoái hóa, biến chất làm thiệt hại, thất thoát lớn tài sản nhà nước, nhân dân.
"Cán bộ chưa biết sợ hay là lòng tham không đáy, nên còn để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp? Có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả Trung ương, cán bộ địa phương”- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nói.
Dẫn chứng thêm tình trạng Bí thư, Chủ tịch vẫn lạm quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ, phải chấn chỉnh… Thường trực Ban Bí thư đề nghị "từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, nhất là người đứng đầu, cán bộ quản lý”.
“Nhiều ông ra tòa thấy những lời nói ngược hết, dù không phải số lớn nhưng không thể tin tưởng được. Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu...", bà Mai nhấn mạnh.
Về khiếu kiện, theo Thường trực Ban Bí thư, trước đây khiếu kiện phức tạp chủ yếu liên quan đến đất đai, nhưng giờ lan rộng đến đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm…
Đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan về vi phạm của cán bộ trong nhiệm kỳ này, để có biện pháp khắc phục tốt hơn.
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật trong các lĩnh vực có vi phạm phổ biến thời gian qua. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng, vạch được ranh giới đỏ cho cán bộ dám làm vì lợi ích chung mà không phải "e sợ".