Chính trị

Hoàn thiện thể chế, chính sách, không để sơ hở và bị lợi dụng

Trọng Bằng 23/03/2023 08:07

Nhấn mạnh nội dung trên, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chỉ rõ, thể chế, chính sách cũng là một mảnh đất có thể can thiệp, tác động, nên cần nâng cao cảnh giác trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, đất nước phát triển tốt hơn, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

thuong-truc-ban-bi-thu-hoan-thien-the-che-khong-de-so-ho-va-bi-loi-dung-1-.jpg
Thường trực Ban Bí thư: Cần nâng cao cảnh giác trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách

Chiều 22/3, tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Bộ Nội vụ về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết các chức năng, nhiệm vụ quản lý nước của Bộ Nội vụ có tác động, mối quan hệ trực tiếp với công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, có những vấn đề rất nhạy cảm.

Đặc biệt, một số lĩnh vực liên quan đến việc đảm bảo tiềm lực về chính trị, xây dựng khu vực phòng thủ, đảm bảo sức mạnh tổng hợp được thể hiện rất rõ trong một số nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, như tổ chức bộ máy, xây dựng công vụ, công chức, tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, tín ngưỡng, thi đua, khen thưởng, lưu trữ...

“Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ tác động trực tiếp, có mối quan hệ hữu cơ để góp phần xây dựng tiềm lực về quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh nội sinh, đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian qua, thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI, Bộ Nội vụ đã đạt được 5 kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới như công tác xây dựng thể chế chưa toàn diện, liên thông chưa cao, chưa thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chưa bắt kịp và đáp ứng các yêu cầu ngày càng nặng nề trong tình hình mới.

Thời gian tới, sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Trung ương, Bộ Nội vụ sẽ nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của ngành để từ đó thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tới, nhất là việc xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng an ninh trong tình hình mới.

Thể chế, chính sách càng làm càng phải có bước tiến bộ

Phát biểu tại cuộc làm việc, nhắc lại một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết đã thể hiện được đường lối, tư duy chiến lược của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho rằng, nhìn lại Chiến lược có thể thấy bao hàm toàn bộ các yếu tố mang tính chất tổng hợp và thực hiện tốt tất cả những yếu tố đó, chúng ta mới thực hiện được Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hơn 10 năm qua, thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc gắn với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Trên cơ sở đó, tiềm lực quốc phòng an ninh của đất nước tiếp tục được củng cố được tăng cường.

Thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân tiếp tục được củng cố. Khá nhiều tình huống xảy ra đã được xử lý, không để bị động, bất ngờ.

Ghi nhận Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực và có những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, Thường trực Ban Bí thư nhìn nhận, Bộ đã đạt được những kết quả tiến bộ, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. 

Công tác tham mưu, trước hết là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế là một khối lượng rất lớn mà Bộ Nội vụ đã triển khai. 

Các đạo luật, nghị định, các văn bản Bộ Nội vụ xây dựng tương đối tốt như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Không chỉ thực hiện khối lượng công việc rất lớn, mà nhiều vấn đề còn nhạy cảm, phức tạp, phải lấy ý kiến trong xã hội mới có thể trình thông qua.

Chẳng hạn như vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, tiền lương. Có những vấn đề mới đạt được kết quả bước đầu như xây dựng vị trí việc làm, nhưng cũng có nhiều vấn đề có nỗ lực song không hề dễ dàng như mục tiêu giảm đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập.

Thường trực Ban Bí thư cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ sơ kết Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó, tính toán chuyển một phần các dịch vụ công mà Nhà nước không cần thiết phải làm chuyển cho xã hội làm.

Thí dụ như hoạt động đăng kiểm, chuyển hoàn toàn từ Nhà nước sang một phần nhà nước, một phần tư nhân. Hay như, hoạt động công chứng cũng vậy.

“Việc này không phải chuyển một cách đơn giản mà phải có quá trình, thận trọng để quản lý nhà nước không có tiêu cực”, Thường trực Ban Bí thư nói.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, vấn đề đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cũng là một điểm khó. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư hy vọng trong năm nay, Bộ Nội vụ sẽ ban hành được và chấp nhận bước đi đầu tiên, có thể chưa phải đáp ứng toàn bộ, nhưng sau một thời gian làm sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Lưu ý Bộ Nội vụ tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày một đáp ứng công việc tốt hơn, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một đội ngũ cán bộ cùng với bộ máy hành chính Nhà nước tốt chắc chắn góp phần cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Nội vụ tiếp tục cụ thể hóa từng nhiệm vụ của mình một cách sâu sắc đối với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thể chế, chính sách càng làm càng phải có bước tiến bộ. Hoàn thiện thể chế, chính sách phải đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia vững chắc, đất nước phải phát triển tốt, không để sơ hở, không để bị lợi dụng.

“Thể chế, chính sách cũng là một mảnh đất có thể can thiệp, tác động, nên cần nâng cao cảnh giác trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, đất nước phát triển tốt hơn, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ”, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hon thiện thể chế, chính sách, khng để sơ hở v bị lợi dụng