Hội thảo xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế, hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới...
Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển đã gặp mặt báo chí thông tin tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”.
Theo Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới gồm Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 20...
Từ việc phát hiện những bất cập, hạn chế trong pháp luật thực định cũng như thực tiễn thi hành, Hội thảo đề xuất các giải pháp khắc phục để thúc đẩy nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hoàn thiện thể chế, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của Đất nước, chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chủ trương của Đảng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Hội thảo sẽ được tổ chức ngày 05/04/2025, tại Hội trường tầng 3, khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh (tổ 1, khu 2 Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Dự kiến sẽ có khoảng 0 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.
Ông Nam nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Báo Pháp luật Việt Nam (10/07/1985 - 10/07/2025), việc tổ chức Hội thảo sẽ giúp báo đánh dấu ở tuổi 40 bằng nhiều hoạt động khoa học có ý nghĩa.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ trao đổi về 3 nhóm chuyên đề với hơn 30 chuyên đề tham luận bao gồm: Các chuyên đề tổng quan về thể chế và nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; Các chuyên đề về nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong các lĩnh vực cụ thể; Các chuyên đề về vai trò quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ lắng nghe, trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh việc xác định nội hàm và giá trị của nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong thu hút đầu tư để phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động về hoạt động đầu tư trong nước và trên thế giới; thời cơ, thách thức, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và nội tại trong nước đã kéo dài nhiều năm trong pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu.
Hội thảo cũng tìm cách xác định những yêu cầu phổ quát quốc tế và yêu cầu đặc thù do bối cảnh Việt Nam mà nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” đặt ra gắn với thể chế hiện hành và việc hoàn thiện trong tương lai, nhận diện các giải pháp có khả năng thúc đẩy nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trở thành động lực thu hút đầu tư phát triển của đất nước.
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển- Phó Trưởng Ban tổ chức, hội thảo đặc biệt có ý nghĩa thời sự và giá trị thúc đẩy phát triển trong thời điểm hiện tại.
Theo đó, sự thay đổi về thể chế đang được tiến hành toàn diện trên các lĩnh vực tác động rất lớn đến những nội dung của pháp luật đầu tư, hướng đến một hệ thống pháp luật có khả năng đảm bảo sự phát triển của đất nước thông qua nhiều giải pháp, trong đó thu hút đầu tư có vai trò quyết định.
Ông Hạnh nhấn mạnh, phải xác định thể chế là cuộc chơi, do vậy yếu tố pháp luật phải đảm bảo hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” vì mục đích thu hút đầu tư.