Đồng chí Hoàng Đình Giong - người con ưu tú của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu
Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang Nà Toản, xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng).
Đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và của tỉnh Cao Bằng. Từ một người thanh niên học sinh yêu nước, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926, được kết nạp vào Đảng cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ từ năm 1929 và được bầu làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, trở thành một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sớm tại khu vực miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Đồng chí đã có công trong việc chỉ đạo tổ chức gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn, gây dựng củng cố lại tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Năm 1935, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ I của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) và được phân công phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Đồng chí bị địch bắt cầm tù từ tháng 02/1936 cho đến tháng 10/1944. Dù phải chịu cực hình qua nhiều nhà tù của địch ở trong nước và ngoài nước, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, khôn khéo đấu tranh để ra tù về nước tiếp tục hoạt động.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Bác Hồ gặp mặt, vinh dự được Bác đặt tên mới là Võ Văn Đức và giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí đã trải qua các cương vị: Chủ nhiệm chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân Giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên của Khu 9, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 6. Năm 1947, đồng chí hy sinh tại Khu VI (Ninh Thuận).
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong gắn liền với những chiến công hiển hách của đất nước và quê hương cách mạng Cao Bằng. Bất cứ ở cương vị nào, vùng đất nào, đồng chí đều thể hiện phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một người cán bộ chính trị, quân sự cao cấp lớp đầu tiên của Đảng, của quân đội...
Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong Huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2009 được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và năm 2018 được Đảng và Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Suốt quá trình hoạt động trong và ngoài nước, kể cả trong nhà tù đế quốc cho tới phút hy sinh, đồng chí vẫn kiên cường, bất khuất, trung thành với Đảng, với Nhân dân, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Hoàng Đình Giong mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.
Tỉnh Cao Bằng kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, học tập tấm gương đồng chí Hoàng Đình Giong
Trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra qua các nhiệm kỳ Đại hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, Đảng bộ Cao Bằng đã không ngừng vận dụng sáng tạo và cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững. Các mục tiêu chiến lược ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh có bước đột phá: Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh đã công bố; Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chính thức khởi công vào ngày 1/1/20 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh bạn trong sự hân hoan, phấn khởi, kỳ vọng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; Cửa khẩu Long Bang - Trà Lĩnh chính thức được công nhận là cửa khẩu quốc tế; Lễ công bố vận hành thí điểm qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc được tổ chức thành công tốt đẹp; các sự kiện giới thiệu Cao Bằng, du lịch Cao Bằng tại Hà Nội gây được tiếng vang lớn, góp phần thu hút số lượng lớn du khách đến địa phương.
Với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh có 406 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 6 huyện, thành phố, 23 xã, 19 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, 5 đơn vị Anh hùng Lao động và 27 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.
Để tưởng nhớ và ghi tạc công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã dựng Tượng đài, xây dựng Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng.
Năm 1988, Di tích Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cao Bằng đối với công lao to lớn của đồng chí. Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong sẽ là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO “Non nước Cao Bằng”.