Các nước G7 khẳng định ủng hộ vai tr trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh coi trọng quan hệ với ASEAN v cam kết sẽ tham gia đng gp tích cực cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Chiều 12/12 đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-G7 theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển G7.
Tại hội nghị, Bộ trưởng các nước đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động này, mở ra cơ hội mới cho hai bên tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp ứng phó với các vấn đề và thách thức khu vực và toàn cầu.
G7 ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN
Các nước G7 khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh coi trọng quan hệ với ASEAN và cam kết sẽ tham gia đóng góp tích cực cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Nhiều nước bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác phù hợp với các khuôn khổ được đề cập tới trong Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nước G7 cam kết tiếp tục cung cấp vaccine an toàn, hiệu quả, giá thành phù hợp cho các nước ASEAN, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cộng đồng, tăng cường khả năng cảnh báo sớm, và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho ASEAN.
Thêm vào đó, G7 cam kết sẽ cùng ASEAN huy động các nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thân thiện môi trường, phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, ủng hộ tăng cường hợp tác biển và bảo vệ môi trường biển bền vững.
Các nước ASEAN và G7 cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó COVID-19, thúc đẩy phục hồi toàn diện, bền vững, tập trung duy trì mở cửa thị trường, củng cố và ổn định chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đầu tư công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu.
Các nước khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, ủng hộ thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, tự kiềm chế, giải quyết hòa bình tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Các nước hoan nghênh và bày tỏ mong muốn sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Việt Nam kêu gọi G7 hỗ trợ ASEAN tiếp cận và phân phối vaccine an toàn, hiệu quả, kịp thời, đồng đều
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kêu gọi các nước G7 hỗ trợ ASEAN tiếp cận và phân phối vaccine an toàn, hiệu quả một cách kịp thời và đồng đều cũng như chuyển giao công nghệ vaccine, giúp nâng cao khả năng tự cường tự chủ của ASEAN và khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các nước duy trì mở cửa thị trường, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng xanh hơn và sạch hơn.
Nhấn mạnh quan hệ đối tác ASEAN-G7 trong triển khai các cam kết tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow, Bộ trưởng đề nghị G7 cần đi đầu trong cắt giảm khí thải, tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN nhằm thực hiện các cam kết giảm mức phát thải ròng bằng không thông qua đầu tư tài chính xanh và công nghệ sạch, đồng thời hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Bộ trưởng đề nghị G7 ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm bảo đảm Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, đồng thời triển khai đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Đề cập tới quan hệ giữa hai nhóm nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất hai bên cần nghiên cứu hình thức tăng cường đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng giữa ASEAN và G7.
Kết thúc, Hội nghị đã ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị ghi nhận các kết quả cuộc họp.