Chính trị

Hồi ức của cựu chiến binh Điện Biên Phủ từng viết thư cho Tổng thống Pháp

21/04/20 - 13:28

Bên cạnh kỷ niệm hào hùng về những ngày “rực trời đất Điện Biên Phủ toàn thắng” 70 năm trước, mỗi người lính trở về từ mặt trận lại có những câu chuyện đời thường riêng, giản dị mà thấm đẫm tinh thần lạc quan, lòng yêu chuộng hòa bình.

Ở tuổi 97, ông Trần Trọng Tú (phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) vẫn cất giọng vẫn sang sảng khi kể về những năm tháng hoa lửa, khi ông cùng đồng đội chiến đấu từ mặt trận chiến dịch Biên giới sang chiến trường Điện Biên Phủ.

Người Đại đội phó Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn Thủ đô 102, Đại đoàn 308 vẫn nhớ như in những trận đánh, những chiến công ngày ấy...

hoi uc cua cuu chien binh Dien bien phu tung viet thu cho tong thong phap hinh anh 1
Cựu chiến binh Trần Trọng Tú như trở lại tuổi đôi mươi khi kể về kỷ niệm đặc biệt với nước Pháp nhờ niềm đam mê bóng đá

Nhắc đến những ấn tượng với nước Pháp khi không còn đối đầu hai bên chiến tuyến, đôi mắt đã mờ dần qua tháng năm của người cựu binh bỗng hấp háy tinh nghịch, như thể được trở lại tuổi đôi mươi. Ông say sưa kể về những “cơ duyên” của mình với người Pháp, nhờ có niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá.

Năm 1961, ông Trần Trọng Tú là đại biểu của khu Gang thép (tại Thái Nguyên hiện nay) vinh dự tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội. Đó cũng là lần đầu tiên ông được tận mắt xem đội bóng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp thi đấu tại Việt Nam. Họ được mời tham gia cùng với các đội bóng của 12 nước XHCN. Trước trận đấu Việt Nam – Pháp diễn ra tại sân Hàng Đẫy, ông Tú có trực tiếp gửi một lá thư phân tích cho trưởng đoàn TNCS Pháp và nhận định Pháp sẽ thắng với tỷ số 5-1. Kết quả, đội bạn thắng 5-2 và giành chức vô địch.

Sau khi đoàn TNCS Pháp về nước, một thời gian sau ông Tú bất ngờ nhận được quà tặng của tổ chức thể thao nước Pháp. Món quà đó đã giúp ông xây dựng một ngôi nhà cấp 4 và mảnh vườn rộng rãi. Nhiều năm công tác trong ngành gang thép, rồi sư phạm, ông vẫn theo dõi bóng đá Pháp và luôn nể phục vì họ có nền bóng đá vào loại lâu đời ở châu Âu và thành tích ấn tượng.

37 năm sau, cơ duyên lại tới với ông khi VCK World Cup 1998 diễn ra trên đất Pháp. Lúc này, ông Trần Trọng Tú đã 71 tuổi và nghỉ hưu ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhưng vẫn không bỏ qua bất cứ một trận đấu nào. Ông theo dõi, ghi chép cụ thể, đồng thời đọc báo, nghe đài để các chuyên gia thẩm định. Phân tích Pháp sẽ "làm nên chuyện" tại sân nhà nên ngay trước trận bán kết với Croatia, ông Tú nhận định Pháp sẽ thắng và vào chung kết, chung cuộc thắng Brazil 2-1 để đăng quang ngôi vô địch thế giới. Do đó, ông tự tin viết 1 bức thư ghi lại các phân tích của mình:

"Lúc đầu tôi định viết bằng tiếng Pháp, nhưng sau tôi nghĩ là con cháu cụ Hồ, “ăn cơm tẻ, mặc áo sợi bông”, mình phải nói tiếng cha mẹ đẻ mình. Đầu tiên là gửi cho Đại sứ quán Pháp, và gửi thẳng cho Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao và đội tuyển bóng đá Pháp"- ông Trần Trọng Tú nhớ lại

hoi uc cua cuu chien binh Dien bien phu tung viet thu cho tong thong phap hinh anh 2
Bức thư phúc đáp của Đại sứ quán Pháp được ông lưu giữ cẩn thận

Bức thư được gửi đi. Kết quả các trận đấu không ngoài nhận định của ông Trần Ngọc Tú, chỉ có tỷ số trận chung kết Pháp thắng tới 3-0, ngoài sức tưởng tượng. Ngày 29/7/1998, Đại sứ nước Cộng hoà Pháp tại Việt Nam lúc đó, ông Serge Degallaix đã gửi thư phúc đáp cho ông Tú. Bức thư viết bằng tiếng Việt.

Ông Tú kể lại nguyên văn: “Thưa ông. Chúng tôi rất cảm kích khi nhận được thư chúc mừng của ông. Chúng tôi xin cảm ơn ông về những tình cảm tốt đẹp mà ông đã dành cho đội tuyển của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhân đây xin được bày tỏ sự thán phục trước khả năng phân tích bóng đá của ông. Xin chúc ông sức khoẻ và hạnh phúc”.

Trong thư, Đại sứ Pháp cũng khẳng định sẽ dịch bức thư của ông Tú để chuyển tới những cá nhân và cơ quan mà ông đã đề nghị. Sau World Cup, ông lại nhận được quà tặng của nước Pháp - món quà đặc biệt dành cho một CĐV đặc biệt từ Việt Nam.

Giờ đây, ở tuổi “sắp tròn trăm”, ông Trần Trọng Tú không còn có thể ghi chép, phân tích bóng đá như ngày nào, nhưng vẫn miệt mài tham gia các hoạt động của cựu chiến binh, tổ dân phố, giúp đỡ từ thiện…

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chi hội phó Chi hội cựu chiến binh khu phố 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả vui vẻ kể về người cựu chiến binh đặc biệt của khu phố: "Ông Tú là người rất gương mẫu. Gia đình cũng khó khăn, nhưng tinh thần thì vô biên, giúp đỡ anh em đồng đội bạn bè nên ở địa phương rất quý mến. Tinh thần đó cựu chiến binh chúng tôi luôn noi gương học tập, để phấn đấu cho sau này.

"Khi tôi ngồi xuống mâm cơm mà chưa ăn, tôi vẫn hát. Khi tôi nằm xuống màn, mà chưa nhắm mắt được tôi vẫn ngâm thơ”, ông Trần Trọng Tú hài hước kể về cuộc sống đời thường hiện tại. Ông vẫn đang ấp ủ sẽ ghi chép lại những cuộc đời mình, nhất là những năm tháng Điện Biên để giữ lại cho con cháu, “nhắc chuyện quá khứ để trân trọng hiện tại hoà bình, cùng hướng tới tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi ức của cựu chiến binh Điện Biên Phủ từng viết thư cho Tổng thống Pháp