Văn hóa- Thể thao

Hồn cốt dân tộc trong mâm cỗ ngày Tết

Tuấn Dũng - Tuyết Nhung 10/02/20 - 21:00

Bên cạnh những mâm cỗ được đặt sẵn, mua sẵn, đâu đó ta vẫn thấy nhiều gia đình vẫn muốn lưu giữ đầy đủ hương vị Tết truyền thống. Chúng ta nên hiểu rằng, dù mâm cỗ Tết có đổi thay thế nào, đó không chỉ là bữa ăn đơn thuần, mà là sự tượng trưng cho giá trị tinh thần của Tết Việt, là dịp để gia đình sum vầy và gắn kết.

1.png

Bên cạnh những mâm cỗ được đặt sẵn, mua sẵn, đâu đó ta vẫn thấy nhiều gia đình vẫn muốn lưu giữ đầy đủ hương vị Tết truyền thống. Chúng ta nên hiểu rằng, dù mâm cỗ Tết có đổi thay thế nào, đó không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà là sự tượng trưng cho giá trị tinh thần của Tết Việt, là dịp để gia đình sum vầy và gắn kết. Mâm cỗ có thể đổi thay, nhưng chỉ cần những giá trị ấy vẫn vẹn nguyên thì Tết Việt vẫn sẽ luôn tròn đầy. Đầu bếp nguyên thủ, cuốn sách sống ẩm thực, đệ nhất ẩm thực Hà Thành,… là những “mỹ từ” dành cho nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Như người được chọn để lưu giữ tinh hoa ẩm thực dân tộc, hơn cả thế, mỗi món ăn bà thực hành còn có cả phía sau đó là những câu chuyện, thông điệp văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam. PV Báo Công lý đã có buổi chia sẻ cùng Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết về mâm cỗ ngày Tết.

PV: Thưa bà, mâm cỗ ngày Tết của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ đơn giản chỉ là những món ăn, mà nó còn biểu tượng của những gì đặc biệt nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết: Điều đó là rất đúng là bởi vì mâm cỗ ngày tết nó không chỉ đơn giản chỉ là những món mà chúng ta ăn. Ngày xưa kén vợ cho con trai, bao giờ các cụ cũng phải để ý vào trong góc bếp gia đình người con gái định kén làm vợ cho con mình. Cái góc bếp nó nói lên cái tư cách, cái đạo đức, văn hóa của một gia đình.

Đấy là văn hóa ẩm thực, văn hóa nếp nhà, đây là nề nếp gia phong của cả một gia đình. Tới bây giờ thì các quan niệm của các cụ ngày xưa các bạn trẻ cũng ít để ý tới hơn. Còn ngày nay việc ăn uống cũng đơn giản hơn, thế nhưng nghĩ lại việc các cụ ngày xưa dạy dỗ con cháu rất kín kẽ và có chiều sâu. Các cụ dạy dỗ con cháu tới từng cái ý ăn, ý ở.

Chúng ta thử nghĩ xem tại sao các cụ không nói ý ở thôi, mà đầu tiên các cụ nói là ý ăn và ý ở? Khi ăn chỉ cần phát ra những tiếng động không lịch sự là cũng không được. Tôi nghĩ rằng mâm cơm nói chung và mâm cỗ ngày Tết nói riêng của Việt Nam là cả một góc văn hóa dân tộc.

PV: Những món ăn nào không thể thiếu trong mâm cơm cúng tất niên vậy thưa bà?

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết: Nếu nói về mâm cơm chiều 30 Tết thì cũng là việc "tùy tiền biện lễ". Gia đình nào khá giả thì làm mâm cỗ to, gia đình nào họ neo người thì người ta cũng không làm nhiều.

Nếu không làm nhiều người ta cũng sẽ làm một mâm cúng đơn giản với 3,4 món với đĩa xào, canh măng mọc, khoanh giò, xôi gấc... tùy theo gia cảnh mỗi nhà. Còn nếu chúng ta xét về mặt tinh thần thì mâm cỗ cúng giao thừa đầu Xuân bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng.

3.png

Bình thường với người Hà Nội người ta hay làm món nem. Phần đông chiều 30 Tết Hà Nội các gia đình hay làm món nem. Thế còn sáng mùng 1 Tết thì phải có gà, có bánh chưng, có thịt đông, có cá kho, có bóng xào, có canh miến, có canh măng, có nem,…

PV: Trong quá trình chuẩn bị mâm cỗ, bà có truyền đạt những giá trị hay thông điệp gì cho thế hệ sau như con, cháu, những người tham gia trực tiếp công việc sửa soạn mâm cơm ngày Tết không?

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết: Phải chia sẻ rằng, ngày xưa lúc tôi mới 9 tuổi đã phải vào bếp. Con gái ngày xưa mà tới 19, 20 tuổi chưa cưới đã bị là coi như ế rồi.

Các cụ xưa mà có con gái thì mới 9, 10 tuổi đã phải cho con gái vào bếp phụ bà, phụ mẹ rồi. Đến năm 14 tuổi là đã phải thạo việc bếp núc. Rồi khi tới 16, 17 tuổi đi lấy chồng đã phải quán xuyến mọi việc nhà. Tôi muốn chia sẻ lí do ngày xưa tại sao các cô gái khi đi lấy chồng lại biết thạo, biết nhiều, nữ công gia chánh tốt như thế là bởi vì con gái đến tuổi là phải vào bếp như vậy.

4.png

Từ ngày xưa cho đến tận bây giờ, nét văn hóa đấy tôi cũng lại giống như các cụ. Tôi cũng vẫn dạy con cháu từ lúc 7, 8 tuổi như vậy. Đàn cháu của tôi từ bé tý đã phải tự chăm sóc bản thân tự nấu mỳ, tự tráng trứng, tự nấu món ăn mình thích...Đến nay, khi các cháu trưởng thành, đi đâu cũng tự biết chăm sóc bản thân.

PV: Ngày xưa ở các khu phố cổ người dân rất quan trọng lễ nghĩa, nghi thức trong những ngày Tết cổ truyền. Theo bà những điều đó thể hiện gì?

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết: Ví dụ như chiều 30 Tết chúng ta thắp hương để mời các cụ về để nói lên lòng biết ơn của các thế hệ con cháu. Khi đó nhà nào cũng phải có nén hương thành kính mời các bậc tiên tổ về với gia đình. Khi chúng ta khấn xong sẽ cảm thấy nhẹ lòng và cảm nhận sự thiêng liêng của việc ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.

Đó là truyền thống lễ nghĩa tốt đẹp, trong cái lễ nghĩa của ngày Tết khi mà nhà ai cũng làm mâm cỗ cúng Giao thừa, nhà ai cũng cúng lễ.

Nói về lễ nghĩa, nghi thức thật sự ra để nói cũng không ai bắt mình phải có lễ này lễ kia, mà phải tùy điều kiện mỗi người. Ví dụ như ngày xưa, trong mâm cỗ ngày Tết các cụ hay có cái đĩa xôi gấc là vì các cụ quan niệm màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.

Hay như việc mâm cỗ của nhà nào trên bàn thờ cũng sẽ có một đĩa chè kho, chè con ong là bởi vì các cụ quan niệm năm mới ăn cho ngọt ngào, may mắn.

Còn đến bây giờ, các bạn trẻ nghĩ cũng có nhiều cái khác hơn nên ai giữ được các quan điểm xưa của các cụ thì tốt, còn cũng không ai bắt buộc được.

Lại nói về mâm cỗ Tết ngày xưa, khi đó tôi nhớ có những nhà cầu kì bao giờ cũng có cặp bánh chưng buộc với nhau bằng lạt đỏ, nếu lá dong luộc mà không được đẹp cũng phải bọc thêm lá tươi ở ngoài.

PV: Thưa bà, trong xã hội hiện đại đã từng có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Tết cổ truyền để người dân có thể tập trung phát triển kinh tế, bà nghĩ sao về điều này?

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết: Theo tôi thì dân tộc nào cũng phải có những ngày lễ truyền thống. Còn nếu nói đến dân tộc Việt Nam ta không thể không nói đến Tết cổ truyền.

Theo tôi quan điểm này thuộc về cá nhân. Nếu ai không thích đón Tết họ có thể không đón Tết, còn đối với ai luôn nghĩ đến những điều thuộc về truyền thống thì chúng ta vẫn đón Tết cổ truyền bình thường thôi.

Chúng ta là một dân tộc có giá trị đặc biệt riêng. Trong đó, Tết cổ truyền có thể coi là hồn cốt của dân tộc.

Nói đến Tết, những kỉ niệm xưa trong tôi lại ùa về. Ngày xưa Tết trời rất là rét mẹ tôi đi mua lá dong về, mình phải ngồi lau lá dong. Mẹ đãi đỗ luộc bánh chưng, tôi ngồi bên cạnh có nồi nước lá mùi già. Khi nước sôi mẹ giục chúng ta đi tắm… Tôi chỉ nghĩ nếu chúng ta bỏ Tết liệu có gì để nhớ về?!

Nội dung & thực hiện: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồn cốt dân tộc trong mâm cỗ ngy Tết