Vừa qua, Bình Dương ghi nhận chùm ca bệnh ngộ độc nghi do ăn pate chay, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 1 và một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Do đó, Bộ Y tế đã ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.
Bộ Y tế cho hay, loại thực phẩm có thể chứa độc tố botulinum là thực phẩm đóng hộp, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm.
Người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Đồng thời, thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường). Nếu thấy sản phẩm bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố.
Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố). Thực tế, muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm người dân cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao. Không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm.
Bên cạnh đó, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín vì khi thực phẩm được nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
Vi khuẩn botulinum sẽ bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng. Để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất phút; để diệt nha bào cần đun ở 100 độ C ít nhất một giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160 độ C ít nhất 30 phút.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như (với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở ….) cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.