Hàng ngàn học sinh đến từ các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tại TP.HCM được hướng nghiệp, chọn nghề cho tương lai.
Đa dạng hoạt động
Ngày 2/3, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên phối hợp cùng Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tân Bình tổ chức Ngày hội “Hướng nghiệp, tuyển sinh” lần 12 năm 20.
Ngày hội thu hút khoảng 20 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hàng ngàn học sinh đến từ các trường Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tham gia.
Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động như tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, giới thiệu các ngành nghề, chương trình, mô hình đào tạo, học tập, chính sách hỗ trợ học phí, công tác giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên của các trường.
Hoạt động trắc nghiệm trực tuyến “HOLLAND – lựa chọn ngành học phù hợp”, với 3 nội dung: Khám phá tính cách bản thân, tìm hiểu sở thích cá nhân với đam mê nghề nghiệp, tự đánh giá năng lực bản thân.
Hay hoạt động định hướng nghề “cùng bạn chọn nghề cho tương lai”; hoạt động giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh, phụ huynh quan tâm đến từng ngành nghề cụ thể cùng chuyên gia hướng nghiệp.
Ngoài ra, ngày hội giới thiệu, cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách, học phí của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố đến phụ huynh, học sinh các trường.
Theo ông Nguyễn Quang Cường - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, hoạt động hướng nghiệp ngày càng được xã hội quan tâm, nhất là phụ huynh và các em học sinh.
Mục đích nhằm giúp các em tự chủ hơn trong việc tìm hiểu và chọn ngành, nghề trên cơ sở phù hợp giữa năng lực và sở thích cá nhân với nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và giảm thiểu chi phí xã hội.
"Ngày “Hội hướng nghiệp, tuyển sinh" năm nay phần nào giúp các em “Chọn đúng ngành - Học đúng trường - Thành công với nghề - Sống đúng ước mơ”", ông Nguyễn Quang Cường nói.
Chuyên gia khuyên gì?
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết, xét về tổng thể, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang khắc phục những khó khăn về kinh tế mà nhiều năm trước bị ảnh hưởng, hay nói cách khác đang tạo đà khởi sắc từ năm 20 và mở rộng từ 2025 cũng như các năm tiếp theo ở mức độ ổn định hơn.
Đối với thị trường lao động, nền tảng lao động truyền thống của thị trường vẫn còn nhưng sẽ có nhiều thay đổi mà dễ thấy nhất là sự tác động của công nghệ số, chuyển đổi số.
Theo ông Trần Anh Tuấn, trí tuệ nhân tạo như ChatGP đang tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động. Nó làm thay đổi lực lượng, cơ cấu lao động các ngành nghề và bắt buộc nguồn lực phải phù hợp với công cuộc chuyển đổi số. Điều này cũng dẫn đến các em học sinh phải chọn ngành nghề phù hợp để trở thành nguồn nhân lực phù hợp.
Về xu hướng việc làm trong thời gian tới, chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn nhận định sẽ đi theo 4 hướng chính, gồm gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.
"Thị trường việc làm, đặc biệt tại đô thị TPHCM sẽ gia tăng nền tảng công nghệ, gắn với công nghệ. Có 68% việc làm đã được đo lường gắn với công nghệ. Một số lĩnh vực ngành nghề truyền thống sẽ bị giảm tải và mất đi, trong khi đó, nhiều việc làm tương tác với công nghệ sẽ mở ra", ông Trần Anh Tuấn dự báo.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, nhiều người sẽ phải rời khỏi thị trường lao động và chỗ trống việc làm sẽ có rất nhiều.
"Điều quan trọng là các em có lựa chọn ngành học phù hợp để có đủ năng lực bước vào hay không", ông Trần Anh Tuấn nói.
Cũng theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, dịch chuyển lao động trong thời gian tới sẽ rất lớn, tạo ra cơ hội việc làm nhiều. Các em có thể đi làm nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... nhưng phải có những điều kiện đi kèm, không phải cứ có bằng cấp là làm được.
Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM khuyên các em phải đảm bảo năng lực nhất định ở từng vị trí việc làm, đảm bảo kỹ năng, thái độ, ngoại ngữ... Từ đó, các em có thể dịch chuyển lao động sang các nước khác, cũng có thể làm việc trực tiếp trên hệ thống điện tử hay đi xuất khẩu lao động.
Về xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm”, ông Trần Anh Tuấn đánh giá, 30% các em có ước mơ nhưng chưa thực sự phát triển, dù chính sách quốc gia rất tốt.
"Sự thành công trong thị trường lao động đối với những người biết chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt… sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc yếu tố quyết định sự thành công", chuyên gia Trần Anh Tuấn nói.
Dự báo 9 nhóm ngành nghề cần nhiều nhu cầu nhân lực:
1. Công nghệ thông tin kỹ thuật phần mềm – An toàn thông tin, khoa học dữ liệu, Robot và trí tuệ nhân tạo;
2. Công nghệ kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) – Tự động hóa, Điện – Điện tử, Công nghệ vật liệu, năng lượng;
3. Kiến trúc, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng Môi trường. Thiết kế, Mỹ thuật số;
4. Công nghệ Nông - Lâm (Khoa học cây trồng, Chăn nuôi - Thú y, Lâm sinh, Công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ thực vật), Công nghệ Thủy - Hải sản (Nuôi trồng, Chế biến) và Công nghệ Thực phẩm , Công nghệ Sinh học - Hóa (Dược, Sinh, Mỹ phẩm, Thực phẩm...);
5. Quản trị Kinh doanh, Kinh tế – Thương mại, Tài chính, Marketing, Truyền thông đa phương tiện;
6. Du lịch và lữ hành, Dich vụ Nhà hàng – Khách sạn;
7. Sư phạm giáo dục, Sư phạm kỹ thuật;
8. Y, Dược, chăm sóc sức khỏe, thầm mỹ, chăm sóc sắc đẹp;
9. Khoa học Xã hội, Luật, Tâm lý xã hội, Nhân sự và Ngôn ngữ.