giờ hm nay (9/6), Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp báo cng bố danh sách 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội kha 14, nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử với 99,48% phiếu bầu.
Dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trần Minh Tuấn và Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Tuý.
Tại buổi họp báo, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Văn Túy thông tin: Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu tại cuộc bầu cử vừa qua là 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao, trên 90%, trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt cao nhất là 99,99%; các tỉnh Yên Bái 99,98%; Quảng Nam 99,97%; Bình Thuận 99,97%; Lai Châu 99,96%; Trà Vinh 99,94%; Kon Tum, Bến Tre, Hậu Giang 99,93%.
Về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 870 người. Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22.5.2016 và bầu cử thêm ngày 29.5.2016 ở Cần Thơ là 496 người. Bầu thiếu 4 đại biểu Quốc hội tại 4 tỉnh Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai, mỗi tỉnh bầu thiếu 1 đại biểu so với số được phân bổ.
Về cơ cấu kết hợp, ông Trần Văn Túy cho biết, đại biểu là người dân tộc thiểu số là 86 người (đạt tỷ lệ 17,30%); thấp hơn 4 người so với dự kiến; đại biểu nữ là 133 người (đạt tỷ lệ 26,80%), thấp hơn 17 người so với số dự kiến; Đại biểu là người ngoài Đảng là 21 người (đạt tỷ lệ 4,20%), thấp hơn so với dự kiến và thấp hơn so với với Khóa XIII ( khóa XIII có 42 người, tỷ lệ 8,40%).
Đại biểu Khóa XIII tái cử là 160 người (đạt tỷ lệ 32,30%), bằng số đã dự kiến. Đại biểu tự ứng cử là 2 người (đạt tỷ lệ 0,4%); giảm 0,4% so với Khóa XIII (Khóa XIII có 4 người); Trình độ trên đại học là 310 người (đạt tỷ lệ 62,50%); đại học 180 người (đạt tỷ lệ 36,30%), còn lại là dưới đại học.
“Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thành công của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc,” ông Trần Văn Túy khẳng định.
Cuộc bầu cử thực sự đã thu hút sự tham gia cùa đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử. Số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao 99,35% thể hiện ý thức trách nhiệm cao của công dân trong việc đi bầu lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình tham gia chính quyền các cấp.
Đáng chú ý theo kết quả công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong 496 đại biểu: 99,48%. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác có tỷ lệ phiếu bầu như sau: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 86,47%; Chủ tịch nước Trần Đại Quang 75,08%; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 91,46%...
Danh sách trúng cử cũng cho thấy toàn bộ các Ủy viên Bộ Chính trị, 3 Phó thủ tướng cùng 13 bộ trưởng được giới thiệu đều trúng cử đại biểu Quốc hội khoá mới.
Trong số các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, có ứng cử viên không trúng cử ở các địa phương. Cụ thể, có 7/14 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về TPHCM không trúng cử. Con số này ở Hà Nội là 4 người trong số 13 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu (4/13), Đồng Tháp (1/3), Phú Yên (1/2), Trà Vinh (1/2), Sóc Trăng (1/2).
Trong danh sách đại biểu Quốc hội trúng cử có 17 người là doanh nhân.
Hai người tự ứng cử đủ số phiếu trúng cử là ông Nguyễn Anh Trí (sinh năm 1957, quê Quảng Bình), Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương và ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1954, quê Nam Định), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco.
Phát biểu kết thúc cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Sau công bố kết quả, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, giải quyết, khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (nếu có) theo quy định của pháp luật và tiến hành thẩm tra, xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất.
Hơn 100 cơ quan báo chí trong và ngoài nước đến dự họp báo. Ảnh Vietnamnet
*Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của PV, điều 69 của Luật Bầu cử quy định về nguyên tắc bỏ phiếu nói rõ là cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu thay, nhưng tại cuộc bầu cử lần này, theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tại phiên họp ngày 8/6, tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục, vậy việc vẫn công nhận kết quả có đúng luật hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có một số thông tin và đơn thư nói rằng có tình trạng bầu hộ, bầu thay, đã cho kiểm tra lại và thấy rằng có một số ý kiến nặc danh, và có một số cử tri nêu là gia đình có 6 người nhưng do không hiểu biết và đi làm ăn xa, nên có bầu thay.
Điều này được khẳng định là có sai, nhưng không nghiêm trọng, và không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, các nơi xảy ra đã chấn chỉnh và thấy rằng số bầu cử thay không lớn. Những nơi có sai phạm nghiêm trọng thì đã huỷ bỏ kết quả và bầu lại. Như vậy là làm đúng quy định của pháp luật, ông Hiển nói.
Liên quan đến việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận định, trong công tác hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn ứng cử viên vẫn còn có hạn chế là việc loại một số ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội được cử tri nơi cư trú và nơi công tác tín nhiệm trong hiệp thương lần ba đã gây dư luận không tốt. Vậy đây có phải là do quy định của Luật Bầu cử đã không đủ chặt chẽ để tạo sự công bằng trong việc chọn người đại diện cho dân, và theo ông có cần đặt vấn đề sửa luật để khắc phục hạn chế này hay không?
Ông Phùng Quốc Hiển trả lời, vấn đề này tại cuộc họp báo trước đây, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi. Có thể những ứng cử viên đó được nơi công tác và cư trú giới thiệu, nhưng ở hiệp thương vòng 3 đã có ý kiến là chưa đủ điều kiện ứng cử, nên không còn trong danh sách để bầu chính thức. Điều này nên rút kinh nghiệm để bảo đảm thống nhất từ trên xuống dưới.
Bình luận về việc gần 96% đại biểu là đảng viên và gần 100 vị ủy viên Trung ương, đây có phải là kỷ lục của 14 khoá Quốc hội?. Ông Hiển cho rằng, tất cả các cơ cấu, thành phần ứng cử đều đã dự kiến, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để đảm bảo đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội. Các uỷ viên Trung ương trúng cử phần lớn ở các cơ quan quan trọng và đều nằm trong dự kiến cơ cấu, đúng định hướng, ông Hiển khẳng định.