Trong những năm qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận. Cùng với các hoạt động điều tra, cơ quan công an cũng tiến hành kêu gọi những người liên quan ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng, có lợi cho người phạm tội.
Bỏ trốn không ra đầu thú là từ bỏ quyền tự bào chữa
Việc kêu gọi các bị can đang bị truy nã về đầu thú, kêu gọi người liên quan đầu thú hoặc tự thú, động viên người phạm tội thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm là một trong những chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước nhằm tạo điều kiện để người có hành vi vi phạm có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong đó, nhiều vụ kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận có thể kể đến như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, đại án AIC…
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam 8 bị can. Cùng với đó, Cơ quan CSĐT kêu gọi người mắc sai phạm trung thực, báo cáo với tổ chức hoặc tự thú để được khoan hồng.
Đối với vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 10 bị can về các tội: "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Đồng thời, Cơ quan CSĐT kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Trước đó, trong quá trình điều tra sai phạm tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 7 bị can là các cựu cán bộ ngân hàng SCB, song những người này đã bỏ trốn.
Bên cạnh việc ra quyết định truy nã các bị can này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kêu gọi các bị can tự giác ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đồng thời đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa trong quá trình đề nghị truy tố.
Đến giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) truy tố 86 bị can về các tội: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Riêng với các trường hợp bỏ trốn, VKSNDTC một lần nữa kêu gọi các đối tượng này đến Cơ quan Công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định.
Được biết, trước thời điểm mở phiên tòa xét xử đối với vụ án này, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi 5 bị can liên quan đến vụ án đang trốn truy nã đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định của pháp luật. Tòa cũng xác định, trong trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt.
Cơ hội cho người phạm tội lập công chuộc tội
Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự hiện nay luôn động viên khuyến khích người phạm tội nhận thức được sai phạm của mình để khắc phục sửa chữa, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự thú, đầu thú, tích cực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện xử lý tội phạm để được hưởng chính sách khoan hồng.
Theo quy định điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 20 quy định: Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Lại Huy Phát (Văn phòng Luật sư Huy Phát – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc người phạm tội chủ động ra đầu thú, hoặc tự thú khi hành vi chưa bị phát giác, thành khẩn khai báo đều được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật và ghi nhận tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thậm chí có thể được miễn trách nhiệm hình sự tùy vào từng hành vi phạm tội. Vì vậy, nếu người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, cần nắm bắt cơ hội này để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.
“Đối với những trường hợp không ra đầu thú hoặc có tâm lý trốn tránh che giấu hành vi phạm tội của mình, trong quá trình điều tra vụ án, nếu có đầy đủ các tài liệu chứng cứ đã thu thập, cơ quan tiến hành điều tra sẽ tiến hành khởi tố, bắt giam. Khi đó, người bị bắt sẽ không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ”, luật sư Phát lưu ý.
Trong khi đó, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, người phạm tội đầu thú, hay tự thú là sẽ được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhưng pháp luật hiện hành không có quy định các tình tiết giảm nhẹ sẽ được giảm trừ bao nhiêu năm, báo nhiêu tháng hay có được chuyển khung hình phạt, án treo hay không?
Việc những người tiến hành tố tụng động viên bị can đầu thú để được hưởng khoan hồng nhưng không được phép “hứa” là khoan hồng ở mức độ nào đang là khó khăn trong việc giáo dục người phạm tội nhận thức sai lầm của mình để sửa chữa, khắc phục.
Theo vị luật sư nay, Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định có hai yếu tố quyết định đến hình phạt là yếu tố hành vi và yếu tố nhân thân. Trong đó, Điều 50 Bộ luật hình sự 20 quy định căn cứ quyết định hình phạt nêu rõ ‘‘Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
"Vì vậy, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong rất nhiều yếu tố quyết định đến hình phạt chứ không phải là yếu tố chính quyết định đến hình phạt”. Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.