Về quê Bác hôm nay, du khách không chỉ được tham quan những di tích nổi tiếng như làng Hoàng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha, hay đền Chung Sơn… mà còn được trải nghiệm, nhìn ngắm những vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh, mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình của người dân quê Bác với du khách thập phương.
Bức tranh quê căng tràn sức sống
Từ TP. Vinh (Nghệ An) ngược theo Quốc lộ 46 chừng 12km, chúng tôi tìm về xóm Sen 2, nơi có các hộ gia đình làm homestay, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vào một buổi sáng tháng Năm nắng vàng như rót mật.
Trước mắt, xóm Sen 2 hiện lên tựa như làng cổ quanh rừng trúc Sagano nổi tiếng của cố đô Kyoto, đất nước Nhật Bản. Đi vào bên trong khu vườn của những hộ gia đình làm homestay, cả một khung cảnh xanh mướt mát với các loại cây ăn trái như cam, bưởi, chuối, rồi rau, bí, cà… uốn quanh làng là những bờ rào xanh được cắt tỉa đều tăm tắp… tất cả như đang sẵn sàng chờ đón du khách.
Trong mắt du khách, quê Bác hôm nay như một bức tranh căng đầy sức sống với những khu vườn xanh kiểu mẫu nằm cạnh các ngôi nhà mái đỏ cùng nhiều công trình được chỉnh trang, làm mới khang trang, hiện đại. Cạnh Nhà văn hóa Sen 2, các hộ homestay quây quần như một gia đình.
Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Thúy - một trong những thành viên tham gia làm mô hình homestay ở xóm Sen 2 vui vẻ kể lại: Năm 2019, toàn xã Kim Liên có 10 gia đình được chọn để Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An giúp làm những khu vườn mẫu.
Nhưng sau đó, chỉ 4 hộ gia đình (bác Nguyễn Sinh Lạc, anh Nguyễn Sinh Chung, bác Vương Hồng Minh và anh Nguyễn Hồng Thúy) được đánh giá đạt chuẩn, tiếp tục được chính quyền huyện Nam Đàn và xã Kim Liên chọn làm mô hình du lịch cộng đồng.
Đến tháng 6/2020, thành lập Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng, bầu chọn ông Nguyễn Sinh Lạc làm Tổ trưởng. Sau đó, các thành viên của tổ được ngành du lịch tập huấn, đưa đi tham quan cách làm homestay của những người dân tại Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và Quảng Bình.
Sau chuyến tham quan, dựa vào cơ sở vật chất nhà ở có sẵn, 4 hộ đầu tư kinh phí cải tạo những khu vườn mẫu, tạo không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hiện, cả 4 gia đình đã có được trên 10 phòng nghỉ, có thể làm nơi nghỉ cho những hộ gia đình, hoặc đoàn khách trên 30 người.
Tấm chân tình gửi đến du khách
Cạnh nhà anh Thúy là homestay nhà anh Nguyễn Sinh Chung (SN 1970), hiện là cán bộ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn. Anh là một trong 4 người đầu tiên xung phong tham gia vào tổ liên gia thí điểm mô hình 'homestay' trên quê Bác.
Anh Chung chia sẻ: Khu vườn nhà tôi trước đó đã được công nhận là vườn mẫu, nên việc mở homestay với tôi đã là một lợi thế. Khi bắt tay làm du lịch cộng đồng, chúng tôi chủ yếu muốn tỏ tấm chân tình của người dân quê Bác đến với du khách, một phần nào đó giúp du khách có được niềm vui trọn vẹn khi muốn dừng chân lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi muốn quê Bác là điểm đến hấp dẫn, đáng nhớ của du khách.
Nói về định hướng phát triển của mô hình homestay, ông Nguyễn Sinh Lạc (Tổ trưởng) chia sẻ: Chúng tôi tự hào khi đại diện cho hàng nghìn hộ dân Kim Liên thực nghiệm mô hình. Với lợi thế “độc quyền” là quê Bác để phát triển du lịch, tuy nhiên để “đánh thức” tiềm năng du lịch còn có rất nhiều việc cần làm.
Việc kinh phí mở homestay thì các gia đình đang tận dụng nâng cấp từ căn nhà mình mở, mua sắm thêm một số thứ cần dùng cho khách, đầu tư ban đầu đều là các gia đình tự bỏ, nên cũng chưa tính toán hết.
Để mô hình này được nhiều người hưởng ứng, điều đầu tiên là có sự đồng hành, quan tâm của chính quyền địa phương. Không chỉ quảng bá, tuyên truyền bằng những hình thức đơn thuần, mà cần có cơ chế, chính sách kịp thời, hợp lí.
Về làng Sen, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân giã như: củ, quả, cây rau... được hái từ vườn nhà. Ngoài ra, nếu du khách muốn đi thăm thú các nơi, các hộ sẽ như những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về lịch sử – văn hóa, các di tích tâm linh và phong cảnh Kim Liên, chụp ảnh check-in khắp cánh đồng sen, hòa mình cùng thiên nhiên yên bình trên quê Bác... Khi màn đêm buông xuống, sẽ có những đội văn nghệ dân ca ví, giặm phục vụ du khách ngay cạnh nhà văn hóa xóm.
Huyện Nam Đàn hiện có di tích cấp quốc gia, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Kim Liên và Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu cùng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và hấp dẫn như Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Làng Sen, các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Mô hình Vườn mẫu homestay là điểm nhấn du lịch trên quê Bác. Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về văn hóa và du lịch, năm 2017, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Nam Đàn được Chính phủ chọn làm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện xác định đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh Nam Đàn đến với du khách trong và ngoài nước, đồng thời, thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng, phát triển du lịch của huyện trên cơ sở gắn kết các vùng cũng như kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh Nghệ An.