Lễ khai mạc chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba trên địa bàn thành phố Hà Nội là sự kiện mở đầu phát động chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên cả nước, góp phần phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc.
Tối 17/4 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội diễn ra từ ngày 17/4 – 1/5 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc.
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ngày Sách và Văn hóa đọc không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách, mà sâu sắc hơn là tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc.
Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc mong muốn ngành xuất bản sẽ góp sức mình xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thông qua chuỗi sự kiện, đem đến tinh thần mới, "người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó, bạn đọc ở đâu, sách gần đến đó".
Tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: "Tương lai của đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu tri thức, ý chí và khát vọng. Muốn vậy, văn hóa đọc phải là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân, tự học, tự trau dồi kiến thức được thấm đẫm trong mỗi người, mỗi tế bào của xã hội để tâm hồn chúng ta không ngừng được bồi đắp về tri thức và những giá trị nhân văn cao cả, trở thành công dân có ích cho đất nước, đủ tự tin để bước ra toàn cầu".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc; chú trọng đầu tư, hỗ trợ, thành lập thiết chế các hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, cơ quan, đơn vị các cấp; tăng cường, vận động sáng tác các tác phẩm sách, công trình có giá trị cao, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong văn hóa xuất bản, in ấn và phát hành sách, tạo giá trị mới.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 20 được tổ chức với nhiều hoạt động, hình thức đa dạng và phong phú. Một số sự kiện đáng chú ý là: Triển lãm, Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba; Triển lãm và Hội sách trực tuyến phục vụ bà con kiểu bào Việt Nam ở nước ngoài; Lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên... cùng nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên khắp cả nước, với sự tham gia của 60 đơn vị xuất bản phát hành trên cả nước.