Sức Khỏe

Khan hiếm nguồn thi thể hiến tặng đào tạo, nghiên cứu y học

Chí Tâm 27/03/2023 17:29

Trong 10 năm, Viện Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) chỉ tiếp nhận hơn  10 xác hiến phục vụ y học. Nhiều năm qua, nguồn thi thể hiến tặng để bác sĩ, sinh viên y nghiên cứu, học tập rất ít.

TS.BS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Trưởng bộ môn giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Hà Nội nhận được 14 xác hiến, người trẻ nhất 18 tuổi, người già nhất vừa qua tuổi 90, tên của họ được khắc ghi trên tấm bảng đặt tại Viện Giải phẫu. 

tri-an.jpeg
Các thầy cô, sinh viên của Đại học Y Hà Nội cùng thân nhân của người mất bày tỏ sự tri ân tới những người đã hiến thân thể cho y học. Ảnh: VGP

Theo TS Nghĩa, số lượng thi thể hiến cho y học ở phía Bắc chỉ bằng khoảng 10% so với số thi thể được hiến cho một số đơn vị tại TP.HCM. 

Tại TP.HCM, việc tiếp nhận đơn thư hiến xác và nhận thi thể cũng như quan niệm của người dân thoáng hơn nên mỗi năm các trường như Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận từ 20-30 thi thể. Do thiếu nguồn này, Trường ĐH Y Hà Nội phải mượn thi thể từ các cơ sở này phục vụ học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên nhà trường.

"Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nền y tế phát triển, thi thể hiến đây được gọi là những "người thầy thầm lặng" đối với sinh viên y khoa", TS Nghĩa chia sẻ. 

Trung bình, mỗi năm, Đại học Y Hà Nội sử dụng 2 thi thể. Khoảng 2-3 năm sau, xác được hỏa táng và đưa về gia đình theo ý nguyện của thân nhân họ. 

giai-phau.jpeg
Các tiêu bản là bộ phận cơ thể người được bảo quản bằng hóa chất để học tập, nghiên cứu. Ảnh: Hữu Hưng

Theo các bác sĩ giải phẫu, thi thể được sử dụng trong đào tạo y khoa có 2 loại chính là xác khô, được xử lí bằng hóa chất, thành phần chính là formol và xác tươi - bảo quản bằng hệ thống tủ lạnh và tủ rã đông. Xác khô là "học cụ" cung cấp kiến thức về cấu trúc cơ thể người, thời gian sử dụng 1 năm. Xác tươi rất cần trong đào tạo các kĩ năng ngoại khoa phẫu thuật, thời gian sử dụng ngắn hơn.

Trường Đại học Y khoa lâu đời nhất Việt Nam này đầu tư hệ thống tủ bảo quản thi thể với chi phí hàng chục tỷ đồng. "Nếu không trang bị máy thì khi có xác hiến, chúng tôi không thể bảo quản. Nhưng éo le là hơn nửa năm qua, chúng tôi chưa tiếp nhận được thêm thi thể nào", TS Nghĩa nói. 

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên, kỹ thuật viên phẫu thuật thi thể cho sinh viên quan sát. Theo tiêu chuẩn tốt nhất mỗi buổi học có 8-10 sinh viên thực hành trên một xác. Tuy nhiên, hiện do số lượng không đủ, hơn 20 sinh viên thực hành trên một thi thể, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập giải phẫu, thực hành của sinh viên.

Mô tả về sự cần thiết của việc học và thực hành trên xác tươi, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chuyên gia về lĩnh vực phẫu thuật thần kinh cho biết, thời ông đi học - cách đây gần 40 năm, hàng trăm sinh viên học trên 1 xác, hàng nghìn sinh viên học đi học lại 1 xác và xác đó lại là xác khô, cấu trúc giải phẫu không còn nguyên.

"Tôi đã làm nghề 30-40 năm rồi vẫn cần học lại trên giải phẫu khi chúng ta có những cái chẩn đoán mới, bệnh mới. Xác của người hiến không may qua đời sẽ giúp cho nhiều người học để nghiên cứu chữa bệnh. Học trên xác tươi mới chuẩn, bác sĩ mới giỏi được", PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.

Cũng theo PGS Đồng Văn Hệ, với sinh viên y và thầy thuốc, việc được đào tạo bằng xác người, đặc biệt là xác tươi rất ý nghĩa. Bởi xác khô ngâm bị đen, cứng lại nên không thể nhìn được chi tiết mạch máu, khó để thực hành phẫu thuật. Không ít bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phải ra nước ngoài đào tạo để nâng cao trình độ, học tập qua xác tươi.

Vì không có xác tươi để học, nhiều nghiên cứu sinh từ phía Bắc phải vào TP.HCM để học mổ xác, do ở đó các cơ sở đào tạo y khoa tiếp nhận được số lượng khá nhiều, thậm chí có thời điểm phải ngừng tiếp nhận vì không đủ điều kiện bảo quản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khan hiếm nguồn thi thể hiến tặng đo tạo, nghiên cứu y học