Giáo dục

Khánh thành tượng đài tại ngôi trường mang tên Đại tướng Hoàng Văn Thái

N.T.D 25/05/2025 17:50

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái (01/5/19 – 01/5/2025), ngày 25/5, tại Trường THPT Hoàng Văn Thái (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Đến dự buổi lễ có ông Hoàng Anh Tuấn là cháu nội của Đại tướng, cùng đại diện thân nhân gia đình. Về phía nhà trường có cô Nguyễn Thị Hải Yến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; các thầy cô trong Hội đồng trường, toàn thể cán bộ, giáo viên và đại diện hơn 1.500 học sinh đang theo học. Buổi lễ còn có sự hiện diện của đại diện chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông – báo chí về đưa tin.

img_6554.jpeg
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thái phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Hải Yến xúc động nhấn mạnh: Đại tướng Hoàng Văn Thái, tên khai sinh là Hoàng Văn Xiêm, là người con ưu tú của quê hương Tiền Hải, Thái Bình. Từ nhỏ, ông đã sớm thể hiện tinh thần hiếu học và nhận thức sâu sắc về thời cuộc. Ông sớm tham gia phong trào cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938.

Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam vì tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Năm 1941, ông gia nhập Đội du kích Bắc Sơn. Trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944, ông là một trong 34 đội viên đầu tiên, và là người cầm lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ sau này trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong suốt quá trình công tác, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 30 tuổi. Ông tham gia chỉ huy các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954,...

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 đến 7/5/1954), bên cạnh Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch, trực tiếp chỉ huy công tác tham mưu - tác chiến tại mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1958, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao nhà nước. Năm 1959, ông được phong hàm Trung tướng; từ 1961-1963, ông học tại Học viện Quân sự Cấp cao Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, ông được giao nhiệm vụ vào truyền đạt Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng (khóa III) cho lãnh đạo, chỉ huy miền Nam (2-1966), sau đó được chỉ định làm quyền Bí thư Khu ủy 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 (7-1966).

Đồng chí Hoàng Văn Thái đã cùng các đồng chí khác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh bại cuộc Hành quân Toàn thắng (1-1971), các cuộc hành quân Chenla I, Chenla II, Nguyễn Huệ, chiến dịch tiến công tổng hợp 1972.

Sau Hiệp định Paris (1-1973), ông làm Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách công tác tác chiến và chi viện chiến trường cùng đồng chí Lê Trọng Tấn làm kế hoạch và chỉ đạo tổ trung tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam 1975-1976. Ông được phong hàm Thượng tướng năm 1974.

Đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, thực hiện các ý định, chủ trương của Bộ Chính trị, tạo thế và lực cho ta nắm thời cơ giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện cho chiến trường, Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất. Trên thực tế ông đã đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng lần thứ ba, thay cho đồng chí Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường.

Từ 1974-1986, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó tổng Tham mưu trưởng (1974-1981), Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Năm 1980, ông được phong hàm Đại tướng. Ông được giao phụ trách tổng kết chiến tranh, công tác nhà trường và công tác tổ chức cán bộ trong quân đội.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tên của ông được đặt cho nhiều tuyến đường ở các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Quy Nhơn, Điện Biên Phủ, Buôn Ma Thuột, Pleiku và Tiền Hải (Thái Bình). Đặc biệt, một ngôi trường mang tên ông – Trường THPT Hoàng Văn Thái – là biểu tượng giáo dục giàu ý nghĩa.

“Hôm nay, là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của nhà trường. Công trình tượng đài không chỉ là lời tri ân đến người đi trước, mà còn là ngọn đuốc tinh thần, nhắc nhở các thế hệ học sinh phải nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, sống xứng đáng với ngôi trường mang tên Đại tướng", cô Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ.

img_6555.jpeg
Ông Hoàng Anh Tuấn, cháu nội Đại tướng Hoàng Văn Thái, đại diện gia đình phát biểu cảm nhận tại lễ khánh thành.

Thay mặt gia đình, ông Hoàng Anh Tuấn phát biểu: “Trong suốt cuộc đời công tác và cống hiến, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên cá nhân, không màng danh lợi, vinh quang; giữ trọn sự giản dị, ham học hỏi và không ngừng hoàn thiện bản thân".

“Được học dưới mái trường mang tên Đại tướng là vinh dự lớn lao, nhưng cũng là lời nhắc nhở rằng xuất thân không quyết định tương lai. Chính tinh thần yêu nước, khát vọng và ý chí vươn lên mới làm nên vĩ đại", ông Hoàng Anh Tuấn nói.

img_6557.jpeg
Em Lê Quỳnh Nga – học sinh lớp 12D, trường THPT Hoàng Văn Thái phát biểu cảm nghĩ tại lễ khánh thành tượng đài.

Thay mặt hơn 1.500 học sinh toàn trường, em Lê Quỳnh Nga – học sinh lớp 12D, xúc động chia sẻ: “Qua những tư liệu lịch sử và bài học từ thầy cô, chúng em hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Đại tướng. Ông là tấm gương về sự hy sinh, kiên cường, tận tụy với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc.

Ghi nhớ lời dạy của Đại tướng: Chỉ học tập, rèn luyện cống hiến, chúng ta mới thể phục vụ tốt nhất cho Tổ quốc, tương lai đất nước hạnh phúc của nhân dân, chúng em nguyện sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện và sống có lý tưởng để xứng đáng với niềm tin yêu của các thế hệ cha anh đi trước".

Sau hơn 2 tháng thi công khẩn trương, công trình tượng đài Đại tướng Hoàng Văn Thái đã hoàn thành trên diện tích 210m2, bao gồm 103m2 sân và 107m2 vườn hoa. Bức tượng bằng hợp kim đồng cao 1,96m, đặt trên nền bê tông 7m3 và bệ đá nguyên khối nặng khoảng 3 tấn. Tượng khắc họa hình ảnh Đại tướng trong tư thế trang nghiêm, trí tuệ, quyết đoán – thể hiện tinh thần chiến đấu và cống hiến trọn đời cho Tổ quốc.

img_6556.jpeg
Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài Đại tướng Hoàng Văn Thái.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh thnh tượng đi tại ngi trường mang tên Đại tướng Hong Văn Thái