Giao thông

Khi người vi phạm giao thông bỗng hóa... "nạn nhân" trên Facebook

Nhật Minh 25/07/2025 - 21:18

Không chấp nhận việc bị xử phạt theo đúng quy định pháp luật, một số người vi phạm giao thông lựa chọn phản ứng tiêu cực, trong đó có việc lên mạng xã hội đưa tin sai sự thật dưới mác “bóc phốt” nhằm hạ uy tín lực lượng Cảnh sát giao thông. Đây là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo ra hệ lụy nghiêm trọng đối với niềm tin xã hội và văn hóa pháp quyền.

Khi mạng xã hội thành nơi “phản đòn”

Một trong những hiện tượng đáng báo động hiện nay là sau khi bị xử phạt hành chính vì vi phạm giao thông, thay vì thừa nhận sai phạm, cam kết không tái phạm, không ít cá nhân quay sang sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc sự việc, vu khống lực lượng chức năng, gây hiệu ứng tiêu cực trong dư luận.

anh-59.jpg
Minh họa: Nguyễn Dương.

Ngày 08/02/20 (tức 29 Tết), ông H.Đ.L bị Tổ công tác Cảnh sát giao thông thị xã Điện Bàn (cũ), tỉnh Quảng Nam (nay là Đà Nẵng), xử phạt do vi phạm nồng độ cồn. Không chấp nhận việc bị xử lý, ông L đã đăng hình ảnh Tổ công tác lên Facebook kèm lời lẽ vu khống, xúc phạm. Cơ quan chức năng xác minh, kết luận nội dung là sai sự thật, tiến hành xử phạt hành chính ông L 7,5 triệu đồng theo Điều 101 Nghị định /2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Tương tự, cuối tháng 4/20, L.V.L (trú tại tỉnh Quảng Ninh) bị Công an huyện Hải Hà (cũ) xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông. Sau đó, L đã đăng bài viết xúc phạm, bịa đặt về lực lượng Cảnh sát giao thông trên trang Facebook cá nhân “Thái Triệu Luân”. Bài viết thu hút sự chú ý, gây hiệu ứng tiêu cực. Sau khi xác minh, Công an huyện Hải Hà triệu tập L và tiến hành lập biên bản xử phạt 7,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gỡ bài, viết cam kết không tái phạm.

Ngày /3/2025, tài khoản Facebook L.X.T đăng hình ảnh Cảnh sát giao thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, kèm theo nội dung “bắt vạ người dân đỗ xe cứu người”. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác minh đây là thông tin bịa đặt. Người vi phạm dừng xe sai quy định ở làn khẩn cấp và không có tình huống cấp thiết. Chủ tài khoản bị xử phạt 7,5 triệu đồng theo quy định hiện hành.

Những vụ việc trên cho thấy mạng xã hội đang bị một bộ phận người vi phạm giao thông lợi dụng như một công cụ để đánh tráo khái niệm, bôi nhọ lực lượng thực thi pháp luật nhằm “gỡ gạc thể diện” cá nhân. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến danh dự của lực lượng Cảnh sát giao thông mà còn gây hoang mang trong dư luận.

Từ người vi phạm biến mình thành “nạn nhân” trên Facebook

Theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, hành vi vi phạm giao thông rồi sau đó lên mạng xã hội bịa chuyện, xuyên tạc, vu khống Cảnh sát giao thông không chỉ đơn thuần là phản ứng cảm tính nhất thời, mà là kết quả của một chuỗi tâm lý hành vi mang tính hệ thống, phản ánh cơ chế phòng vệ tâm lý và sự lệch chuẩn trong văn hóa tuân thủ pháp luật.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu phân tích, trong tình huống này, diễn biến tâm lý của người vi phạm trải qua ba giai đoạn.

Đầu tiên, người vi phạm sẽ né tránh và phủ nhận lỗi. Cụ thể, khi bị yêu cầu dừng xe và xử lý lỗi vi phạm, nhiều người có xu hướng phủ nhận trách nhiệm với suy nghĩ “vi phạm nhỏ không đáng bị xử phạt” hoặc “nhiều người khác cũng làm như vậy” (?). Đây là biểu hiện của cơ chế biện minh nội tại (internal justification), nghĩa là cá nhân cố gắng tự trấn an bản thân nhằm giảm bớt cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Đặc biệt, nỗi sợ bị mất mặt khi bị xử lý nơi công cộng hoặc trước người quen càng khiến hành vi phòng vệ trở nên mạnh mẽ hơn. Và chính nỗi lo này là “điểm kích hoạt” các phản ứng tâm lý tiếp theo, ông Hiếu nhận định.

Ở giai đoạn thứ hai, khi không thể phủ nhận và tránh né hình phạt, cá nhân bước vào giai đoạn phản ứng ngược, với tâm lý bất mãn, thậm chí tức giận vì cho rằng mình bị xử lý… quá nghiêm. Lúc này, cơ chế chuyển hóa trách nhiệm (displacement of blame) xuất hiện, người vi phạm thay vì đối diện với lỗi lầm của mình, bắt đầu tìm cách đổ lỗi cho lực lượng xử lý, cho rằng Cảnh sát giao thông “không hiểu hoàn cảnh”, “thiếu linh hoạt”, hay thậm chí “cố tình gây khó dễ”.

Và để lấy lại thể diện, họ chọn mạng xã hội như một “mặt trận” phản công. Họ đăng hình ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông, đưa ra những thông tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ lực lượng chức năng nhằm “lấp liếm, che đậy” cho hành vi sai phạm của mình. Theo các chuyên gia tâm lý, việc sử dụng mạng xã hội để tấn công lại lực lượng chức năng là biểu hiện điển hình của phòng vệ cảm xúc kết hợp tâm lý đám đông, bởi người vi phạm cho rằng nếu tạo được hiệu ứng dư luận đủ lớn, họ có thể đảo ngược thế yếu của mình.

Trong một số trường hợp, cá nhân vi phạm còn cố ý bịa đặt tình tiết, bóp méo sự việc nhằm tạo ra hình ảnh mình là nạn nhân, từ đó kêu gọi sự ủng hộ từ dư luận mạng. Giai đoạn thứ ba này được chuyên gia tâm lý gọi là hành vi “cố tình bóp méo sự thật để tạo “nạn nhân giả định”. Hành vi này thường gắn với mục đích lật ngược thế trận pháp lý bằng công cụ truyền thông xã hội, lợi dụng tốc độ lan truyền và cảm tính cộng đồng để ép lực lượng chức năng phải lùi bước hoặc làm suy giảm uy tín của họ.

Có thể nói, dưới lăng kính tội phạm học, hành vi bịa chuyện, vu khống lực lượng Cảnh sát giao thông trên mạng xã hội không phải là phản ứng bột phát cá nhân đơn lẻ, mà là kết quả của một chuỗi tâm lý phòng vệ tiêu cực khi cá nhân không chấp nhận sai phạm. Khi người vi phạm coi mạng xã hội như một “vũ khí lấy lại danh dự” để tấn công ngược lại pháp luật, điều đó không chỉ cho thấy sự thiếu ý thức chấp hành mà còn báo hiệu một xu hướng lệch chuẩn hành vi ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn trong không gian số. Nếu không được nhận diện và xử lý đúng bản chất, hiện tượng này sẽ tạo tiền lệ xấu, làm xói mòn niềm tin vào công lý và gây rối loạn trật tự xã hội.

Trong khi đó, trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia nghiên cứu xã hội học, ông cho rằng, hiện tượng người vi phạm giao thông sau khi bị xử lý đã quay sang công kích, vu khống lực lượng Cảnh sát giao thông trên mạng xã hội là không chỉ là sự lệch chuẩn ở cấp độ cá nhân, mà còn là dấu hiệu của sự lệch chuẩn xã hội đáng báo động trong môi trường số hiện nay. Thay vì nhận lỗi và sau đó điều chỉnh hành vi của mình theo đúng quy định pháp luật, người vi phạm lại tìm cách đổ lỗi cho người khác, mà ở đây chính là lực lượng Cảnh sát giao thông, nhằm trốn tránh trách nhiệm. Điều này phản ánh rõ đặc trưng của “văn hóa đổ lỗi”, khi cá nhân thiếu tinh thần tự chịu trách nhiệm mà tìm mọi cách “biến mình thành nạn nhân” nhằm biện minh cho sai trái.

Một trong những hệ lụy nguy hiểm nhất của việc lan truyền thông tin sai lệch là tạo ra tâm lý hoài nghi đối với lực lượng thi hành pháp luật, trong khi đây là nền tảng để duy trì trật tự xã hội. Nếu xu hướng này lan rộng, nó sẽ gây xói mòn nền tảng đạo đức công dân, khiến xã hội mất đi cơ chế tự điều chỉnh, đồng thời vô tình “khuyến khích” lối sống thiếu trung thực, vô trách nhiệm.

Chưa hết, theo chuyên gia xã hội học, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những nội dung bịa đặt là giới trẻ và người lao động phổ thông - những người có khả năng tiếp cận thông tin rộng nhưng thiếu kỹ năng phân tích, kiểm chứng nội dung. Khi liên tục tiếp xúc với các thông tin sai lệch, nhóm này dễ hình thành nhận thức lệch lạc về luật pháp, coi thường chế tài, thậm chí bắt chước hành vi “bôi nhọ để phản kháng”.

Đã đến lúc cần xác định không gian số - mạng xã hội không phải chỉ là nơi thể hiện cảm xúc cá nhân mà còn là diễn đàn phản biện mang tính xây dựng. Bởi, việc xử lý nghiêm minh những hành vi vu khống, xuyên tạc không chỉ là bảo vệ danh dự lực lượng chức năng mà còn là một thông điệp cảnh tỉnh, nhằm củng cố lại nguyên tắc pháp quyền và đạo đức số trong xã hội hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người vi phạm giao thng bỗng ha... "nạn nhân" trên Facebook