Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Đúng với chủ trương của Đảng v ph hợp thực tiễn

10/07/2014 21:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 10/7, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức Ta án nhân dân (Luật TCTA) sửa đổi. Tới dự c lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Bộ Quốc phng, Bộ Cng an; VKSNDTC, Ban Nội chính Trung ương; Bộ Tư pháp…

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Luật TCTA (sửa đổi) đã tham dự phiên họp.

Bổ sung nhiều nội dung quan trọng

Ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp vừa qua, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phân công Nhóm nghiên cứu tổ chức cuộc họp bước đầu với TANDTC, dự kiến tiếp thu ý kiến ĐBQH. Qua đó, Nhóm cũng đã dự kiến tiếp thu, giải trình một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật.

Cụ thể, qua tổng hợp ý kiến của các ĐBQH, nhiều ý kiến nhất trí với quy định phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo cần thể hiện được bốn nội dung: Mô hình tổ chức của Tòa án phải đảm bảo độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; cơ cấu tổ chức của Tòa án; đội ngũ cán bộ công chức và mối quan hệ giữa Tòa án với các cơ quan hữu quan.

Từ những ý kiến nêu trên, Nhóm nghiên cứu đề nghị tiếp thu, bổ sung thêm quy định “nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND” vào Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Đúng với chủ trương của Đảng và phù hợp thực tiễn

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến

Về vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp (quy định tại khoản 2 Điều 2), có hai loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất với đa số ĐBQH tán thành là cần thiết quy định cụ thể hóa quyền tư pháp trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các nội dung quy định tại điều khoản này đảm bảo đầy đủ, chính xác. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cụ thể nội dung quyền tư pháp trong Dự thảo Luật vì đây là vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu…

Nhóm nghiên cứu tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng, việc quy định cụ thể nội hàm quyền tư pháp tại Dự thảo Luật phải trên cơ sở xuất phát từ các quy định của Hiến pháp 2013 về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Nhà nước ta “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND, trong đó khẳng định TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân… và TAND có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp (khoản 2 Điều 119). Đồng thời, phải thể chế hóa định hướng nêu tại Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc “xây dựng và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”.

Về tổ chức TAND sơ thẩm khu vực trong hệ thống TAND, Nhóm nghiên cứu cũng tán thành với ý kiến của ĐBQH về việc thành lập hệ thống Tòa án này với lý do: Thể chế hóa Nghị quyết số 49 và KL số 79 của Bộ Chính trị; khắc phục sự bất cập trong tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện như hiện nay; tập trung nguồn lực, nhất là đội ngũ Thẩm phán và cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của HĐND đối với hoạt động của TAND, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Đối với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND (Điều 5), Nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, kế thừa quy định của Luật TCTA năm 2002, đề nghị sửa lại Điều 5 theo hướng cụ thể hóa hơn quy định của Hiến pháp: Thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, qua đó làm nổi bật tính độc lập của TAND.

Về việc quản lý Tòa án, Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất hai phương án: Thứ nhất là tiếp tục quy định giao chức năng cho TANDTC quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức (đa số các ĐBQH đồng ý quy định này) nhưng không quy định HĐND địa phương phối hợp với TANDTC trong việc quản lý Tòa án về tổ chức nhằm đề cao chức năng giám sát của HĐND; Phương án 2 là giữ nguyên quy định của Luật hiện hành như thể hiện tại Điều 8 của Dự thảo Luật.

Ngoài ra, Nhóm nghiên cứu cũng đã tiếp thu, đề xuất các ý kiến liên quan đến các quy định về việc phát triển án lệ của TANDTC; hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm; Thành lập Tòa giản lược; Tòa án quân sự…

“Quyền tư pháp” cần được quy định cụ thể

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho biết, cơ bản tán thành với đề xuất của Nhóm nghiên cứu về việc cần cụ thể hóa nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực; quy định Tòa án thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa… thì Tòa án phải được giao nhiệm vụ và có quyền hạn kiểm soát hoạt động tư pháp. Theo đó, cần quy định theo hướng trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, Tòa án phải kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử để đảm bảo tính đúng đắn của quá trình tố tụng và tuyên bản án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Nếu có khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức về việc quyền và lợi ích của họ bị xâm hại hoặc không được đảm bảo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc thông qua hồ sơ vụ án, Tòa án phát hiện hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng, hành vi, quyết định thi hành án trái luật thì Tòa án phải có quyền xem xét, kết luận và xử lý hành vi, quyết định tố tụng, thi hành án đó.

Phó Chánh án Nguyễn Sơn cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập Tòa giản lược trong tổ chức TAND. Theo đó, việc thành lập Tòa án này không không phải để giải quyết các vụ việc hình sự, dân sự theo thủ tục rút gọn. Việc giải quyết các vụ việc này vẫn do Tòa Hình sự, Dân sự thực hiện. Còn việc thành lập Tòa giản lược là để thực hiện nhiệm vụ mà các Tòa án mới được giao theo Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Ông Nguyễn Mai Bộ, Phó Chánh án TAQSTW đồng tình cao với quan điểm của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị bổ sung thêm quy định, TAQS xét xử các vụ án quân nhân xuất ngũ phạm tội và những vụ trộm cắp tài sản trong quân đội mà đối tượng phạm tội không phải là quân nhân tại khoản 1, Điều 37 của Dự thảo Luật. Bởi, đây là thực tế diễn ra rất nhiều hiện nay nhưng Luật lại chưa có quy định với những đối tượng này.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba tán thành với nhiều quy định trong Dự thảo Luật và đề xuất của Nhóm nghiên cứu về phạm vi điều chỉnh và quy định về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, bà Ba cũng đề nghị, ngoài những quy định tại khoản 2 Điều 2, cần bổ sung thêm quyền giám sát của Tòa án. Tòa án có thẩm quyền xem xét chứng cứ do Cơ quan điều tra, luật sư, đương sự cung cấp khi tham gia tố tụng; xem xét cả trong quá trình tố tụng như việc bắt tạm giam có đúng pháp luật hay không? Bị can, bị cáo có bị ép cung, nhục hình hay không, chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập, cung cấp có chính xác hay không?

Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đồng tình với quan điểm của Nhóm nghiên cứu khi thể hiện nội dung thẩm quyền của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp. Song, ông cũng đề nghị phải làm rõ nội hàm của quyền tư pháp để quy định được cụ thể và sát với thực tiễn hơn.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng đồng ý với nhiều quan điểm nêu trên. Tuy nhiên nên làm rõ hơn nội hàm “quyền tư pháp” để tránh lẫn lộn với nhiệm vụ mà Tòa án phải làm. Bởi Tòa án phải hoạt động và tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình xét xử của mình. Cùng với đó là quy định về thẩm quyền ban hành án lệ của TANDTC cũng như việc thành lập Tòa giản lược hiện nay là điều rất cần thiết. Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, đây được coi là tiến bộ mà nhiều nước đang áp dụng.

Phát biểu tại buổi họp, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật TCTA (sửa đổi) cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu về những nội dung nêu trên. Chánh án TANDTC cho biết, trên tinh thần tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Luật, đồng thời mong muốn làm sao để Tòa án hoạt động thực sự độc lập, xét xử theo pháp luật chứ không theo cáo trạng; thực hiện “quyền tư pháp” đúng như tinh thần mà Hiến pháp đã quy định.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp đầu tuần sau.

Mai Thoa

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Đúng với chủ trương của Đảng v ph hợp thực tiễn