Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân

Ngọc Mai| 14/11/2014 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngy 13/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các vấn đề liên quan đến mức độ mở rộng của luật, cách sử dụng từ ngữ trong luật, đặc biệt l sức sống lâu di của luật sửa đổi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đng gp ý kiến.

Luật "mở" quá rộng

Một điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi được nhiều đại biểu quan tâm đó là: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; nếu chưa có điều luật thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng nguyên tắc tương tự, nếu không có nguyên tắc tương tự thì áp dụng nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng dân sự, và cuối cùng là lẽ công bằng để xét xử.

Bày tỏ băn khoăn, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đặt vấn đề, Tòa án chỉ áp dụng theo pháp luật, nếu không có quy định pháp luật thì là căn cứ để trả lại đơn. Còn áp dụng tập quán, tập tục để giải quyết thì chỉ có thể áp dụng ở địa phương. “Vụ việc kiện ra Trung ương thì Trung ương áp dụng tập quán nào? Do đó phải quy định rõ”, ĐB Trường nói.

Ở góc độ khác, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, quy định này có thể trái với Hiến pháp, tức là thẩm phán có thể sử dụng bất cứ cái gì để xét xử cho công bằng. Nhưng Hiến pháp lại quy định Thẩm phán xét xử chỉ tuân theo pháp luật.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân

 Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu ý kiến 

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu đưa ra, Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự làm căn cứ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.

Một điểm được cho là "mở quá rộng" đó là thời hiệu xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, hoặc của luật có liên quan. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở có thể “vượt” Bộ luật Dân sự. Theo ông, những tài sản giá trị như nhà, đất, phương tiện... không thể chỉ "tiền trao cháo múc", chuyển giao tài sản xong là trở thành người sở hữu. "Như thế khác gì cứ sống với nhau thì là vợ chồng, đâu cần ra phường đăng ký kết hôn nữa", ông Lịch khẳng định, quyền sở hữu chỉ có thể xác lập sau khi đăng ký và nộp thuế trước bạ.

Đồng quan điểm, Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh đưa ra trường hợp xe máy mà lâu nay người dân mua bán trao tay, nên xảy ra bao nhiêu chuyện tranh chấp, Nhà nước không quản lý nổi.

"Dự thảo Luật Nhà ở cũng quy định chỉ cần giao nhà là có quyền sở hữu, sau này xảy ra chuyện thì lấy cơ sở nào để giải quyết, bảo vệ quyền lợi, xác định kẻ gian, người ngay? Ngay cả người không hiểu luật cũng biết nhà không có giấy tờ thì đừng dại mua ẩu, mua bừa".

"Phải đi đăng ký để cơ quan nhà nước xác định có vấn đề như mua bán có hợp pháp, tự nguyện không, nhà đất có trong quy hoạch giải tỏa không, tài sản có chính chủ không... Và nộp thuế trước bạ để nNà nước còn có cơ sở bảo vệ quyền lợi trong trường hợp có tranh chấp", ông Ánh nói.

Đại biểu này cũng cảnh báo, về vấn đề này, nếu quy định như Dự thảo Bộ luật Dân sự có khi làm cho xã hội đen lại "thắng thế". Ở TP.HCM phổ biến chuyện, người vay tiền của xã hội đen phải viết trước giấy bán nhà, trả hết tiền thì mới xé giấy, không cần công chứng, khiến bao nhiêu người ra đường vì từ vay tiền thành ra bán nhà, pháp luật không thể bảo vệ. Dân mất của thì xót ruột, nhưng nếu căn cứ luật thì hóa ra những kẻ cho vay lại đúng?

Từ ngữ sử dụng trong luật nên dễ hiểu

Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ, vì trong luật có quá nhiều từ pháp lý chuyên ngành khó hiểu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị: với những khái niệm, từ ngữ pháp lý đã quá quen thuộc với hành pháp và tư pháp cũng như người dân mà không dẫn tới hiểu sai thì đề nghị giữ nguyên, tránh sự phức tạp hóa không cần thiết.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) góp ý: “Về quyền và vật quyền, trước đây gọi là quyền và quyền sở hữu cá nhân, hoặc gọi là giao dịch dân sự nhưng bây giờ gọi là hành vi dân sự. Đây là từ mới, khái niệm mới. Đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát tổng kết, nếu dùng những từ ngữ mới phù hợp với thực tiễn thì nên sử dụng, còn nếu luật cũ ghi là giao dịch dân sự, Tòa án và Viện kiểm sát không hiểu sai và nhân dân cũng hiểu quen rồi, thì cũng không cần thiết phải sửa”.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh trao đổi với PV bên hành lang kỳ họp

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) kiến nghị: "Không nên sử dụng các từ như "vật quyền", "trái quyền", "địa dịch", bởi dễ dẫn đến gây tranh cãi không cần thiết vì khó hiểu đối với người dân, do đó nên dùng các khái niệm phổ thông.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nên sử dụng các từ ngữ dân dã, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Luật thay đổi nhiều lần sẽ xáo trộn cuộc sống của người dân

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là bộ luật chung, bộ luật lớn, làm cơ sở pháp lý chung nhất để các luật chuyên ngành căn cứ vào đó quy định các nội dung chi tiết. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ luật Dân sự sửa đổi không nên quy định quá chi tiết.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại thảo luận tổ, điều tâm tư lớn của Bộ trưởng là về trí tuệ tập thể của ban soạn thảo, Chính phủ và cả Quốc hội phải làm sao để một bộ luật lớn như thế này không thể cứ 10 năm lại sửa một lần. Bộ trưởng nhắc lại hai lần sửa Bộ luật Dân sự, đó là, Bộ luật 1995 và Bộ luật 2005 (sửa hoàn toàn). Theo Bộ trưởng, giờ thêm một lần sửa bộ luật, môi trường pháp lý, đầu tư kinh doanh, cuộc sống người dân lại bị đảo lộn.

Sửa Bộ luật Dân sự thời điểm này so với thời điểm 1995 cũng khác, khi mà hàng trăm luật chuyên ngành chi tiết đã định hình, không phải chỉ vài ba chục luật. Đó cũng là bối cảnh phải tính toán để việc sửa luật thấu đáo.

"Có đại biểu nói rất đúng là cuộc sống phải đẻ ra luật, không có luật thì loạn mất. Nhưng trong lĩnh vực dân sự này, luật càng ít thì khoảng không tự do của con người càng nhiều. Luật càng nhiều, càng cụ thể thì càng bó sự tự do của con người. Bộ trưởng liên hệ đến Trung Quốc - nước to như thế, nhưng chưa có Bộ luật Dân sự, mà mới chỉ có luật. Nguyên tắc của pháp luật Dân sự sau đó đẻ ra các luật như hợp đồng.Ta đi theo cách làm bộ luật đồ sộ trước, sau đó mới chẻ ra, cuối cùng là giá trị của bộ luật này còn mức độ lắm. Trừ lĩnh vực truyền thống không có luật riêng, một là hợp đồng, thứ hai là thừa kế, thứ ba là bồi thường ngoài hợp đồng, thứ tư là quyền nhân thân. 4 lĩnh vực đó chi tiết rồi, nhưng cái khác nếu cố gắng càng chung, thì càng dễ cho các nội dung này" - Bộ trưởng phát biểu.

Bày tỏ sự quan tâm tới tính hiệu quả có thể áp dụng lâu dài của Bộ luật Dân sự sửa đổi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận nhấn mạnh, "Việc dân sự cốt ở đôi bên, nhưng không thể không có sự tham gia của Nhà nước. Sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này phải quán triệt được hết mọi vấn đề của xã hội, từng người dân, không để vài năm lại sửa, cùng các luật khác, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân