Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng tỷ trọng từ khu vực doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn. Do đó, Việt Nam cần dồn lực tài chính cho hai khu vực có giá trị gia tăng nội địa cao nhất.
Tại Hội thảo "Xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường", TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: Chúng ta xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, nhưng 300 tỷ USD là của doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt chỉ làm được 100 tỷ USD - trong đó, 50 tỷ USD đến từ nông nghiệp, nơi có giá trị gia tăng nội địa lên đến 90%.
Còn lại, chỉ 50 tỷ USD đến từ khu vực công nghiệp – con số nghe có vẻ đáng nể nhưng khi “bóc tách”, hóa ra phần thực sự “của người Việt” chỉ chiếm 35%. Tức là, nếu quy đổi thực chất, chỉ khoảng 17 tỷ USD từ xuất khẩu công nghiệp là có hàm lượng Việt Nam.
Nhìn lại hành trình phát triển công nghiệp, Việt Nam tự hào với việc thu hút hàng loạt tập đoàn FDI, nhưng theo TS. Nghĩa, nếu phân tích kỹ thì Việt Nam chủ yếu gia công giá rẻ, giá trị gia tăng rất thấp và lợi nhuận thực sự nằm ở các tập đoàn nước ngoài.
Việc phụ thuộc vào FDI không chỉ khiến chúng ta tụt hậu về công nghệ, mà còn đánh mất cơ hội kiếm nguồn thu bền vững, chính đáng từ chính nguồn nhân lực dồi dào.
Để giải bài toán làm thế nào không bị phụ thuộc vào dòng vốn FDI, lấy ví dụ từ Nhật Bản, TS. Nguyễn Quỳnh Trang, giảng viên Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ đây là một quốc gia có lượng vốn FDI rất ít, nhưng họ có những cơ chế để huy động vốn trong dân và huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, để từ đó tăng dần năng lực cạnh tranh cũng như năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Trong khi đó, với trường hợp của Trung Quốc, nước này thu hút rất nhiều vốn FDI, nhưng lại đưa ra những điều kiện đối với các doanh nghiệp FDI và làm mọi cách để các doanh nghiệp FDI không ảnh hưởng đến quá trình phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Theo TS. Nguyễn Quỳnh Trang, các chính sách liên quan đến vốn FDI được những nền kinh tế trên đưa ra nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Song song đó, họ làm mọi cách để giảm chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Việt Nam có thể tận dụng những bài học từ các quốc gia Đông Á, trong đó cần chú trọng việc làm thế nào để giảm chi phí sản xuất trong nước để giúp cho các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, có thể thâm nhập thị trường thế giới.
Ngoài ra, để gia tăng giá trị gia tăng nội địa, theo TS. Nghĩa, trong ngắn và trung hạn, Việt Nam cần dồn lực tài chính cho hai khu vực có giá trị gia tăng nội địa cao nhất: Nông nghiệp và dịch vụ - du lịch.
"Nông nghiệp hiện chiếm 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó có đến 45 tỷ USD là giá trị Việt thực thụ. Đây là nền tảng có thể mở rộng, nhất là khi áp dụng công nghệ chế biến sâu, logistics lạnh và chuỗi cung ứng hiện đại", vị chuyên gia phân tích.
Ông cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có định hướng tín dụng chiến lược, ưu tiên vốn cho khu vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu bền vững và liên kết vùng.
Khu vực thứ hai là dịch vụ, đặc biệt là du lịch – lĩnh vực đang đóng góp tới 40% GDP.
TS. Nguyễn Quỳnh Trang đề xuất là hình thành cụm ngành theo lợi thế cạnh tranh, tạo mạng lưới doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ hạ tầng, tối ưu hóa sản xuất – từ đó giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ mới như AI, chuyển đổi số cũng cần được đẩy mạnh nhằm tiết giảm chi phí và cải thiện năng suất.
Bà Trang cũng cho rằng, Việt Nam nên tập trung phát triển những sản phẩm dễ hấp thụ công nghệ, có tiềm năng xuất khẩu lớn, ví dụ như chế biến nông sản, thực phẩm xanh, các sản phẩm dựa trên nền tảng chất lượng nhân lực và công nghệ hiện đại, để vừa đáp ứng xu hướng tiêu dùng toàn cầu, vừa tận dụng thế mạnh sẵn có.