Hơn 50 năm hoạt động cách mạng với sáng tạo khng ngừng, Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống di sản báo chí v c ng to lớn. Di sản đ cũng thể hiện bản lĩnh của một nhân cách lớn, nh báo cách mạng lớn. Đ l “tư tưởng Hồ Chí Minh về Báo chí cách mạng VN".
Và, tư tưởng đó vẫn tiếp tục là kim chỉ nam soi rọi cho những người làm báo hiện đại hôm nay và mai sau.
Cách đây 91 năm vào ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam đã sáng lập ra Báo Thanh niên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng.
Hơn 9 thập kỷ qua, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền báo chí cách mạng đã luôn soi rọi những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng và nhân dân ta. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành "lời hịch", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam Anh hùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh Tư liệu
Bước vào thời kỳ đổi mới, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà báo đã bám sát thực tiễn, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, phản ánh kịp thời những thực tế “bỏng rẫy” trên mọi miền đất nước; thông tin đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; lên tiếng phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; góp phần lớn lao trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời đóng góp vào việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, đồng thời là cầu nối quan trọng giúp bạn đọc trong nước hiểu biết nhiều hơn về tình hình khu vực và thế giới.
Nói thế, không hẳn báo chí không bộc lộ những hạn chế yếu kém, trước hết là do một bộ phận người làm báo còn non kém về chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là thiếu trách nhiệm xã hội và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên quá nhấn mạnh chức năng giải trí, chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà xem nhẹ các chức năng định hướng, giáo dục và thẩm mỹ của báo chí. Thực tế là đâu đó, độc giả vẫn bắt gặp những bài báo cẩu thả còn những lỗi vu vơ, hay tin bài được xào xáo theo kiểu giật gân, câu khách để kiếm view tăng lợi nhuận. Thậm chí vì mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm, thông tin trên báo chí còn sai lệch, thiếu khách quan bóp méo sự thật. Vậy nên, không phải không có lúc những người làm báo chúng ta chợt thấy “rúng động”, hoang mang khi hay tin một đồng nghiệp sa ngã đi ngược lại đạo đức của người làm báo mà không tránh khỏi trừng phạt của luật pháp.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập sâu rộng với quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những thiết bị mới ra đời làm nền tảng cho sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí như: báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử, bên cạnh là sự nở rộ của các loại phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội…, cùng với những cải tiến về nội dung, phương thức hoạt động, phát hành, đã mang đến cho các nhà báo cơ hội thuận lợi để tác nghiệp, thông tin trong nước và thế giới nhờ đó được cập nhật liên tục, nhanh chóng nhất đến độc giả. Đồng thời cũng tạo ra đời sống và hoạt động báo chí sôi động và cũng đầy sự đấu tranh nghiệt ngã. Trước những cơ hội, thuận lợi song hành cùng yêu cầu và thách thức mới, hơn bao giờ hết mỗi nhà báo chúng ta càng cần ghi nhớ và nhận thức sâu sắc tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vượt qua thời gian vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, khâm phục trước ý chí, nghị lực, tài năng, bản lĩnh chính trị của Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ cần ra sức nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Người. Dù công tác ở Tòa soạn nào, hoạt động theo tôn chỉ mục đích của những tờ báo khác nhau, thì những người làm báo vẫn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng 9/1962: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
Trên tinh thần “cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”, nên mỗi nhà báo chân chính đều phải trung thực và nêu cao tinh thần “trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Đồng thời còn "phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện… Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em sửa giùm".
Những lời căn dặn của Người về nghề báo và những bài học kinh nghiệm về cách nói, cách viết báo càng nghiền ngẫm, càng soi rọi vào thực tiễn càng thấy nguyên giá trị chứa đựng tính thời sự của thời đại, là kim chỉ nam cho các thế hệ làm báo nước ta hôm nay và mai sau.