UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 20.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Công văn số 1692/UBND-KGVX chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 20.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế mở rộng và tăng cường các điểm tiêm phòng dại, đặc biệt tại các địa phương có địa bàn rộng và địa hình khó khăn như vùng sâu, vùng xa; tận dụng mạng lưới y tế cơ sở nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine của người dân.
Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người bị động vật cắn nhằm hạn chế tử vong do bệnh dại gây ra; đảm bảo đủ vaccine và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị động vật cắn, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh dại, cúm gia cầm; tham gia điều tra, giám sát ổ dịch, hướng dẫn xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh, thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến trung ương khi có bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…
Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trên người. Kịp thời thông tin cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn khi phát hiện trường hợp bệnh lây từ động vật sang người để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, xử trí theo quy trình.
UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, công khai các điểm tiêm vaccine phòng dại trên địa bàn. Bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên người và động vật; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, bảo đảm công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường.
Thực hiện công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã, phường; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh...