Theo UBND tỉnh Kiên Giang, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng với khoảng 20 ha rừng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trước tình trạng nắng nóng đang diễn biến bất thường, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị liên quan cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 20 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023.
Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt ở các tuyến kênh trong rừng tràm đã cạn nước, vật liệu cháy tích tụ nhiều năm khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi rất cao.
Trước tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, bất thường, nhiều khu rừng của tỉnh Kiên Giang đang ở cấp cảnh báo cháy cấp IV, cấp V, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu thủ trưởng các chủ rừng, đơn vị, địa phương có rừng khẩn trương, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các sở, ban ngành hữu quan phải có phương án cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng tràm, một số khu rừng có trảng cỏ, cây bụi rải rác;
Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực / giờ tại nơi có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.
Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân...
Lực lượng kiểm lâm tăng cường, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng.
Thực hiện ngay các biện pháp cấp bách như bơm nước bổ sung vào rừng, làm giảm vật liệu cháy, tuần tra kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, quản lý việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực tập tình huống chữa cháy rừng.
Tăng cường bố trí thêm trạm, chốt, lán trại, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp cho từng vùng trọng điểm, kịp thời phát hiện, triển khai lực lượng dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng, đặc biệt là các ngày nghỉ, ban đêm…
Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng thiếu quyết liệt, không chặt chẽ, để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, sử dụng đất rừng sai mục đích, cũng như để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng… thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.