Ngày /7, tại trụ sở VKSND tỉnh Sóc Trăng, TAND và VKSND tỉnh Sóc Trăng ký kết Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Ông Lê Thanh Vũ, Phó Chánh án TAND tỉnh và ông Lê Nguyễn Trường Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh đồng chủ trì lễ ký kết.
Tham dự lễ ký kết còn có lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của VKSND tỉnh; Văn phòng, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua, khen thưởng TAND tỉnh.
Theo đó, quy chế phối hợp có 03 chương, 08 điều. Hai cơ quan phối hợp dựa trên nguyên tắc bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan được thực hiện thường xuyên, bảo đảm công tác giải quyết cũng như báo cáo, thông báo về công tác khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quản lý chặt chẽ, tiến hành đúng theo quy định của pháp luật; Khi một cơ quan có đề nghị phối hợp thì cơ quan được đề nghị thực hiện kịp thời, đúng nội dung đề nghị phối hợp.
Việc phối hợp được tiến hành bằng các hình thức trao đổi trực tiếp, qua thư điện tử, gửi công văn đề nghị phối hợp; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; cung cấp cho nhau các thông tin, tài liệu, chứng cứ nhằm giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc.
Đặc biệt là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, phức tạp, các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền lập danh sách kiểm tra, rà soát qua đợt giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác tiếp nhận, quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Tổ chức họp lãnh đạo liên ngành, các đơn vị tham mưu và các phòng nghiệp vụ.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và nội dung cần phối hợp, cơ quan có đề nghị phối hợp chủ động chuẩn bị văn bản đề nghị về nội dung, thời gian, kế hoạch và phương pháp tiến hành; cơ quan được đề nghị phối hợp thực hiện kịp thời, đúng nội dung phối hợp.
Trực tiếp phối hợp với nhau trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp có liên quan hoặc thông qua cơ quan đầu mối chung để tổ chức họp liên ngành khi cần thiết.
Trách nhiệm của hai cơ quan là tiếp nhận, phân loại chính xác khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để giải quyết hoặc chuyển đơn đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật; rà soát, thống kê đầy đủ các khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã tiếp nhận thuộc thẩm quyền để giải quyết.
Đối với khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, thì cơ quan thụ lý giải quyết thông báo cho cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp, từng cơ quan chủ động áp dụng các phương thức phối hợp với cơ quan có liên quan. Tùy theo nội dung vụ, việc và đề nghị của cơ quan phối hợp để cử đơn vị chức năng tham gia.
Đối với khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người, nội dung phức tạp có liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan thì cơ quan có trách nhiệm giải quyết chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan họp để bàn biện pháp giải quyết. Cơ quan có trách nhiệm giải quyết ban hành quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định giải quyết của mình.
Đối với đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, ban hành văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tòa án có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát để tiến hành kiểm sát theo quy định.
Đối với trường hợp giải quyết khiếu nại lần hai (trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính) thì Tòa án phải gửi thông báo thụ lý đơn cho Viện kiểm sát trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn và gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
Đối với khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát chuyển đến, Tòa án có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản cho Viện kiểm sát nắm.
Trường hợp chưa thống nhất về việc phân loại đơn, Tòa án xác định không phải là đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thì phải kịp thời trao đổi bằng văn bản hoặc trực tiếp với Viện kiểm sát để thống nhất về nội dung và phân loại, xử lý đơn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Nếu sau khi trao đổi vẫn không thống nhất về cách thức xác định, phân loại nội dung đơn thì lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ của Tòa án và Viện kiểm sát báo cáo trực tiếp lãnh đạo phụ trách của hai ngành để tổ chức họp thống nhất về đường lối xử lý, giải quyết đơn.
Định kỳ 6 tháng một lần hoặc trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các cơ quan thông báo tình hình, số liệu tiếp nhận, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền; những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị đề xuất trong quá trình giải quyết loại đơn này về Viện kiểm sát (thông qua đơn vị đầu mối).
Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh Lê Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, việc ký kết quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là hết sức cần thiết, giúp cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của người tham gia tố tụng, hạn chế được khiếu kiện đông người, kéo dài, gây bức xúc cho người dân.