Mỗi khi nhớ về lịch sử, nhớ đến những đồng đội một thời kề vai sát cánh bên nhau. Nhất là kỷ niệm khi đang làm nhiệm vụ và được chụp ảnh với Bác Hồ, người lính Đào Văn Chỉnh luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc.
Cựu binh Đào Văn Chỉnh (trú xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đến nay đã xấp xỉ tuổi 100. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi có khách tới thăm, đôi mắt cụ vẫn còn nhìn rất tỏ và niềm nở tươi cười. Chỉ đôi tai hơi lãng do tuổi cao nên mỗi khi hỏi chuyện, khách phải ghé sát bên tai cụ và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Cụ Đào Văn Chỉnh trầm ngâm nhớ lại quá khứ của những năm tháng hào hùng, khi làm nhiệm vụ bảo vệ chiếc máy bay trực thăng chuyên chở Bác Hồ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, chuyến bay Bác về thăm quê năm 1961 và kỷ niệm không thể nào quên được khi được chụp ảnh cùng Bác.
Theo cụ Đào Văn Chỉnh, từ năm 1947 đến năm 1949, cụ nhập ngũ và được bổ sung vào bộ đội chủ lực, trực tiếp tham gia chiến đấu ở các trận đánh quan trọng như Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến đấu tại Thượng Lào.
Từ sau năm 1954, cụ được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ về làm lính của Trung đoàn bảo vệ sân bay Gia Lâm (E99). Nhiệm vụ của Đại đội là bảo vệ máy bay chuyên dụng chuyên chở các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Theo lời cụ Chỉnh, năm 1958, Chính phủ Liên Xô đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc máy bay trực thăng. Sau đó chiếc máy bay này làm nhiệm vụ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác.
"Do được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ máy bay, nên tôi có nhiều lần được nhìn thấy Bác, Bác ăn vận lúc nào cũng giản dị và gần gũi. Mỗi lần Bác đi, lúc lên máy bay là Bác cười hiền và vẫy tay chào mọi người”, cụ Chỉnh xúc động nhớ lại.
Là người trực tiếp canh gác máy bay /h nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, vì thế nên hàng ngày mọi tình huống xảy ra xung quanh máy bay, từ những chi tiết nhỏ nhất cho đến khi chiếc máy bay an toàn hạ cánh đều phải ghi vào sổ trực ban để theo dõi.
Dù nhiệm vụ được giao hết sức quan trọng và trọng trách nặng nề, nhưng cụ Đào Văn Chỉnh luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời chấp hành nghiêm những quy định trong việc bảo vệ máy bay chở Bác, vì thế cụ luôn được cấp trên tin tưởng.
Nhớ lại dịp Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 vào năm 1961. Chiếc máy bay do cụ bảo vệ làm nhiệm vụ chuyên chở Bác về quê Nam Đàn sau bao nhiêu năm xa cách.
Sau 2 ngày về thăm quê, sáng ngày 10/12/1961, những người lính bảo vệ sân bay Gia Lâm lại được đón Bác trở về Thủ đô. Buổi sáng hôm ấy, trời nắng đẹp, đơn vị được lệnh ăn mặc gọn gàng, tề tựu đông đủ trong hội trường nhỏ để đón Bác.
Khi chiếc máy bay trực thăng từ từ đáp xuống, cửa máy bay vừa mở, Bác Hồ bước xuống và đi nhanh vào hội trường.
"Bác ở quê ra không có quà gì để tặng cho các chú, Bác thưởng cho các chú một món quà nhỏ là chụp ảnh chung, cùng mừng cho chuyến đi của Bác về quê thắng lợi, đồng thời mừng cho công việc của các chú ngày một tiến bộ. Sau đó, cả hội trường ùa ra bãi cỏ phía tiền sảnh quây quần quanh Bác để chụp ảnh", cụ Chỉnh kể lại với chúng tôi, đôi mắt bừng sáng. Cụ cho biết, đó là món quà quý nhất đời cụ.
"Nghe Bác nói vậy, ai ai cũng muốn được đứng gần bên Bác để chụp ảnh. Nhưng sau đó, Bác ân cần sắp xếp từng người vào chỗ ngồi, nơi đứng cho phù hợp nhất, để sao cho bức ảnh được đẹp nhất. Lúc này, Bác mới là người ngồi xuống sau cùng. Lúc đó, tôi may mắn được đứng gần Bác. Dù chỉ là những cử chỉ hết sức nhỏ, nhưng tôi cảm nhận Bác thật gần gũi, ấm áp vô cùng”, cụ Chỉnh nhớ lại.
Sau đó, cụ và đồng đội được điều động đi huấn luyện tại Trung Quốc, không được phục vụ Bác nữa, nhưng những ngày tháng phục vụ, bảo vệ máy bay phục vụ Bác cụ cảm thấy thật vinh dự, tự hào.
Đến nay, bức ảnh chụp cùng với Bác được cụ Chỉnh xem như báu vật vô giá đối với mình. Cụ in một bức ảnh khổ lớn và treo trang trọng ngay giữa phòng khách của gia đình. Còn bức ảnh nhỏ cụ để ngay ngắn trong tủ kính, thỉnh thoảng cụ lại lấy ra mân mê, ngắm các đồng đội của mình, rồi dừng lại ở nơi có hình Bác.
Giờ sức khỏe đã yếu đi nhiều theo từng ngày, nhưng hễ lúc nào thấy khỏe trong người, cụ lại đưa những quyển sách đã sờn cũ năm nào ra mần mò, đọc, nghiên cứu, hay sống vui bên con cháu. Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm xưa, với cụ được phục vụ Bác, gặp Bác và được chụp ảnh cùng Bác là những kỷ niệm không thể nào quên.