Đời sống

Kỹ sư ô tô nói về nguyên nhân cháy xe trong thời tiết nắng nóng

Việt An 18/05/2023 - 17:29

Trong vòng 1 ngày tại Hà Nội xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy xe ô tô chưa rõ nguyên nhân. Trao đổi với phóng viên, Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch đã chia sẻ nguyên nhân và những biện pháp phòng tránh để hạn chế khả năng cháy nổ giữa thời tiết nắng nóng.

Thời gian qua, đã xảy ra không ít những vụ cháy xe ô tô khi đang lưu thông trên đường. Đáng chú ý, trưa 17/5, tại Hà Nội liên tiếp có 2 chiếc xe ô tô đã bốc cháy, trong đó có 1 chiếc xe ô tô nhãn hiệu BMW cháy khi đang lưu thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng và một xe ô tô nhãn hiệu Toyota Cross đỗ trong khuôn viên của Trung tâm Thể dục thể thao quận Ba Đình (Hà Nội).

chay-xe-o-to-o-ha-noi.jpeg
Xe ô tô nhãn hiệu Toyota Cross bốc cháy dữ dội

Cụ thể, vào khoảng 10h30 ngày 17/5, ô tô nhãn hiệu BMW mang biển kiểm soát 29A-781.XX đang lưu thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hướng từ Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh tài xế bất ngờ phát hiện khói dưới nắp capo.

Thấy vậy, tài xế đã kịp đánh lái sát lề đường và mở cửa chạy ra ngoài trước khi chiếc xe cháy. Rất may, thời điểm xảy ra sự việc người dân xung quanh kịp thời hỗ trợ lao vào dập lửa. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng xe BMW bị cháy một phần.

Cũng trong trưa ngày 17/5, một chiếc xe ô tô đỗ trong khuôn viên của Trung tâm Thể dục thể thao quận Ba Đình bất ngờ bốc cháy. Phát hiện sự việc, bảo vệ của Trung tâm đã dùng bình chữa cháy cầm tay để dập lửa nhưng bất thành. Tiếp nhận thông tin, Đội chữa cháy Công an quận điều động 2 xe chữa cháy cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường.

Sau ít phút, đám cháy được dập tắt, tuy nhiên xe ô tô nhãn hiệu Toyota Cross đã bị thiêu rụi.

Trao đổi với phóng viên, Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe ô tô khi lưu thông, trong đó chập điện là một trong các nguyên nhân cháy xe phổ biến thường gặp.

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, khi hệ thống điện trên xe ô tô bị chập sẽ phát ra tia lửa điện, tia lửa này có thể bắn vào những vật chất dễ cháy xung quanh khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan rộng.

Ngoài ra, vào mùa nắng nóng nhiệt độ bên ngoài cũng là tác nhân gây cháy xe. Cụ thể, quá trình di chuyển, một số vật dụng dễ cháy như rơm rạ, giấy hoặc túi nilon chạm vào gầm xe, lúc này khí xả thải ra từ động cơ ô tô vô tình tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy sản sinh ra nhiệt lớn dẫn đến cháy xe.

Bên cạnh đó, chuyên gia ô tô cho rằng, việc các chủ xe thường hay độ chế hoặc lắp thêm các thiết bị điện trong xe ô tô cũng tiềm ẩn các nguy cơ dẫn đến cháy xe.

“Khi tự ý “độ chế”, lắp thêm các thiết bị điện đồng nghĩa với việc đã can thiệp thay đổi hệ thống điện nguyên bản trên xe. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể gây chập cháy nếu hệ thống bị quá tải, đấu nối sai cách hay sử dụng thiết bị điện kém chất lượng, trong quá trình di chuyển sẽ dẫn đến hiện tượng chập điện và gây ra cháy xe", Kỹ sư Lê Văn Tạch cảnh báo.

Chuyên gia ô tô cũng lưu ý, việc để các đồ vật như bật lửa, hóa chất, nước hoa, chai nước suối hay bình cứu hỏa mini trong xe nếu không cẩn thận có thể gây cháy nổ xe do khi đậu xe dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cabin ô tô có thể tăng cao hơn 60 – 70 độ C. Nếu các vật này nằm ngay vị trí ánh nắng trực tiếp chiếu vào thì sẽ dễ bị bốc cháy, phát nổ.

Để phòng tránh và hạn chế thấp nhất khả năng cháy xe ô tô ngoài ý muốn, chuyên gia Lê Văn Tạch khuyến cáo người dân nên bảo dưỡng xe định kỳ, đặc biệt đối với xe cũ cần ưu tiên kiểm tra hệ thống điện và các mối nối. Trong trường hợp các dây điện bị chuột cắn, bị nứt hoặc xuống cấp cần thay thế kịp thời để đảm bảo giúp cho xe ô tô luôn vận hành ổn định đồng thời giảm thiểu được các rủi ro hư hỏng, cháy nổ.

Đặc biệt, các chủ xe không nên độ, chế các thiết bị, phụ tùng trong xe bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của xe. “Vào những ngày thời tiết nắng nóng cao điểm, các chủ xe cần hạn chế đỗ xe lâu ngoài khu vực thời tiết nắng nóng. Trong trường hợp bất khả kháng nên sử dụng tấm che nắng kính lái hay bạt phủ ô tô để giảm nhiệt cho xe và không di chuyển vào khu vực phơi rơm rạ để tránh những sự cố không mong muốn”, kỹ sư Lê Văn Tạch chia sẻ.

Những biện pháp cần làm khi xảy ra sự cố cháy xe ô tô

Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi xảy ra sự cố cháy xe ô tô, trước hết, hãy luôn cảnh giác để có thể phát hiện kịp thời lúc đám cháy vừa phát, đó là khi chúng ta cảm nhận được mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay thấy khói bốc lên từ gầm xe, nắp capô, đây rất có thể là những biểu hiện ban đầu của sự cháy.

 Khi xảy ra cháy, nếu trong xe còn người và cửa bị kẹt, hãy đập vỡ cửa kính bằng chân, đất đá, bánh xe dự phòng… để nhanh chóng cứu người ra khỏi xe, nếu bị thương, nhanh chóng áp dụng các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện sớm nhất mà bạn yêu cầu dừng lại được trên đường (nếu bạn đang ở nơi vắng vẻ), đồng thời hãy ghi nhớ số xe của họ cũng như gọi điện báo cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114.

Nếu đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, hãy sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy. Đám cháy xuất hiện dưới nắp capô, hãy cẩn thận mở nắp capô (nên dùng vật cứng nhọn để cậy hoặc đập thủng nắp capô nếu được) và sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hay phun vào nơi cháy to nhất, hoặc dùng các tấm phủ (chăn, mền tẩm nước nếu có) bao phủ lên ngọn lửa cũng như có thể sử dụng các vật liệu chữa cháy khác như đất, cát, nước… tuyệt đối không được tiếp cận với ngọn lửa nếu quần áo, người bạn đang dính xăng dầu.

Khi chữa cháy phải đứng ở đầu hướng gió để tránh bị lửa tạt vào người. Khi cảm nhận không thể dập được ngọn lửa, hãy tránh ra xa vì đám cháy có thể gây ra nổ bình xăng. Nhanh chóng hô hào sơ tán mọi người ra khỏi vùng nguy hiểm (phạm vi 10m tính từ đám cháy).

Trong thời gian đợi đội chữa cháy chuyên nghiệp, cần sơ tán các phương tiện bên cạnh nếu có thể cũng như kêu gọi sự trợ giúp của mọi người để tránh cháy lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ sư  t ni về nguyên nhân cháy xe trong thời tiết nắng nng