Năm học 2023-20, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia là 5.819 thí sinh, tăng gần 1.300 em so với năm ngoái. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên quy chế mới của kỳ thi được áp dụng.
Trong 2 ngày 5 và 6/1, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 20 với 5.819 thí sinh, tăng 1.230 em so với năm học trước.
Theo kế hoạch, kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 ngày (5 - 6/1) với 12 môn; trong đó:
Ngày 5/1/20, thí sinh thi viết các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.
Ngày 6/1/20, thí sinh các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học tiếp tục thi viết, thí sinh môn Tin học tiếp tục thi lập trình trên máy vi tính, riêng thí sinh các môn ngoại ngữ sẽ thi nói.
Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số thí sinh tham gia dự thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023-20 là 5.819 thí sinh, tăng 1.230 thí sinh so với năm học 2022-2023.
Trong tổng số 12 môn thi của kỳ thi này, Ngữ văn và Tiếng Anh là các môn có nhiều thí sinh dự thi nhất, với số lượng lần lượt là 648 và 639 thí sinh. Kỳ thi sẽ có 68 Hội đồng coi thi với tổng số 403 phòng thi.
Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT 2006 và hướng dẫn thực hiện chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT theo Công văn số 10803/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT.
Năm nay cũng là năm đầu tiên kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thực hiện theo quy chế mới.
Cụ thể, ngày 10/10/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT về Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia (thay thế Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT) với nhiều điểm mới. Trong đó, quy chế quy định số lượng thí sinh dự thi mỗi môn thi của các đơn vị tối đa là 10 thí sinh, riêng TP.HCM và Hà Nội 20 thí sinh.
Quy chế này cũng quy định thay việc tổ chức buổi thi thực hành trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bằng việc đề thi các môn vật lý, hóa học, sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.
Quy chế mới cũng tăng tỷ lệ thí sinh đoạt giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% thí sinh đoạt giải từ giải khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Đáng chú ý, quy chế mới đã bổ sung quy định về việc cấp giấy chứng nhận tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải.
Điều này, theo Bộ GD&ĐT, nhằm giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia kỳ thi.
Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT; nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, đại học, trường đại học và giáo viên trường THPT tham gia tổ chức thi.
Quy chế mới cũng bổ sung các quy định liên quan đến vận chuyển đề thi để khi cần thiết có thể triển khai vận chuyển qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ và hình thức thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội đối với môn Tin học. Linh hoạt trong quy định địa điểm tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.
Theo Thông tư 17, hằng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT và kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.
Bộ GD&ĐT cho rằng việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài.