Đời sống

Ký ức chiến thắng Điện Biên Phủ trong trái tim người lính

Bá Mạnh 11/04/20 - 06:21

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cựu chiến binh Trần Văn Tứ (98 tuổi, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn còn rất minh mẫn, những trận đánh cùng kí ức hào hùng năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim ông – Người cựu chiến sĩ Điện Biên.

Tìm về thôn Thái Kiều, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh để tìm gặp cựu chiến binh Trần Văn Tứ, chúng tôi được dân làng tận tình đưa đến tận ngõ. Trong căn nhà khang trang, rộng rãi, dù năm nay đã bước sang tuổi 98 nhưng người cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1949-1954 vẫn còn rất minh mẫn.

70 năm đã trôi qua, những người lính năm xưa, có người phải nằm lại mãi nơi chiến trận hay người may mắn được trở về cũng đều đã ở cái tuổi rất “đặc biệt”, nhưng trong họ những ngày 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt' vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức.

ky_uc_dien_bien_phu_trong_trai_tim_nguoi_linh_2.jpg
Dù đã ở tuổi 98 nhưng cựu chiến binh Trần Văn Tứ vẫn còn rất minh mẫn, những trận đánh cùng kí ức hào hùng năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim ông.

Cầm trên tay những tấm hình xưa, ngày còn là người lính trẻ tình nguyện xung phong ra chiến trường chống giặc, mang trong mình khát khao giải phóng đất nước, đến giờ ký ức về những tháng ngày trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí cựu chiến binh Trần Văn Tứ. Ông sinh năm 1926, trong một gia đình nghèo đông con ở huyện Can Lộc, bố mất sớm, từ nhỏ, ông Tứ phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ. Nhờ Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình ông mới có ruộng cày.

Năm 1949, ngay khi có đợt tuyển quân, ông Tứ đã xung phong vào bộ đội. Tháng 2/1949, ông được biên chế ở Đại đội 217, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 bộ binh. Ông từng cùng đơn vị chiến đấu trong chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950-1951)… và đặc biệt là chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, cao trào là chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

Với ông, cuộc đời đã trở nên ý nghĩa hơn khi được cùng đồng đội vào sinh ra tử, được góp sức mình để tham gia và chiến đấu Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày nào.

“Kỷ niệm tôi không thể nào quên là vào chiều 14/3/1954, lệnh tấn công đồi Độc Lập, quân ta sau khi chiếm được cứ điểm Him Lam, khi lực lượng pháo binh nã pháo vào cứ điểm của địch thì lính bộ binh chúng tôi nhanh chóng tiến lên lùa bộc phá vào các hàng rào kẽm gai để phá hủy mở đường tiến công. Khí thế ngút trời, tôi và đồng đội xông vào trận địa. Quân ta tấn công ào ạt đã nhanh chóng phá tan hàng phòng thủ, tiến sát sào huyệt của địch. Đa số bọn lính lê dương (Bắc Phi) đều nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt hoặc đầu hàng".

ky_uc_dien_bien_phu_trong_trai_tim_nguoi_linh_4.jpg
Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch (Ảnh tư liệu)

“Anh em đồng đội động viên nhau cố hết sức mình phá sào huyệt của chúng. Dưới sự chỉ huy bình tĩnh, mưu trí của cấp trên, các chiến sĩ vừa anh dũng đánh trả nhiều đợt tấn công, tận dụng địa thế, người trước xông pha, người sau yểm trợ; anh em tỏa ra các hướng chiến đấu, kiên quyết bám trụ, đánh địch đến cùng. Cuộc tấn công đồi Độc Lập thắng lợi vẻ vang, tôi may mắn chỉ bị thương ở cánh tay, nhưng phải chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống… Đau nhưng tự hào lắm!”, ông Tứ xúc động chia sẻ.

Sau thắng lợi trận đánh ở đồi Độc Lập, ông Tứ cùng đơn vị tiếp tục chiếm đánh các mục tiêu khác đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng giặc Đờ Cát (De Castries) đầu hàng, nhưng từ xa nhìn thấy lá cờ của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch, ông Tứ vẫn nhớ mãi cảm xúc hân hoan khi đứng giữa tiếng reo hò của toàn quân vào chiều 7/5/1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ký Hiệp định Genève chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Tháng 10/1954, ông Trần Văn Tứ cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, ông được cử đi học lớp ngắn hạn ngành thống kê. Sau đó về làm việc tại Phòng Vận chuyển, Bộ Công nghiệp. Năm 1957, vì điều kiện gia đình nên ông xin về quê chăm sóc mẹ già.

ky_uc_dien_bien_phu_trong_trai_tim_nguoi_linh_3.jpg
Ông Trần Văn Tứ bên cạnh vợ mình là bà Trần Thị Minh.

Năm 1958, ông cưới vợ là bà Trần Thị Minh (SN 1930), người cùng làng. Vợ chồng ông sinh được 5 người con (4 trai, 1 gái). Trong đó, người con thứ 3 là Liệt sĩ Trần Văn Dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào.

Một điều đặc biệt, ông Tứ cho rằng mình vẫn nặng nợ ân tình với Điện Biên, khi hai người con trai và một cô con gái của ông hiện đang lập nghiệp nơi chiến trường xưa của bố. Trong đó, người con trai đầu tên là Trần Văn Giáp (cái tên được ông Tứ đặt từ sự ngưỡng mộ vị chỉ huy vĩ đại trong chiến thắng Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp), hiện là giám đốc một ngân hàng ở TP Điện Biên.

Trở về đời thường, người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Người cựu binh thường xuyên nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh xương máu của ông cha vì độc lập, tự do của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức chiến thắng Điện Biên Phủ trong trái tim người lính