Phiên tòa giả định về chống khai thác (IUU) là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, giúp ngư dân hiểu hơn quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế. Từ đó, ngư dân đánh bắt thủy sản đúng quy định, yên tâm vươn khơi, bám biển, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.
Ngày /9, tại trụ sở UBND xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) TAND tỉnh Quảng Bình; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; UBND huyện Bố Trạch phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU. Đây là lần đầu tiên phiên tòa giả định về chống khai thác IUU được đưa ra xét xử công khai trên địa bàn.
Phiên tòa giả định đã thu hút hàng trăm chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng tại các địa bàn ven biển tỉnh Quảng Bình đến theo dõi.
Nội dung phiên tòa giả định, Tòa án tiến hành xét xử vụ án đối với hành vi tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sang vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản... Đây là hành vi vi phạm về chống khai thác IUU khá phổ biến hiện nay.
Tại phiên tòa giả định, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Năm 2016 vợ chồng Trần Văn Thành vay vốn tại ngân hàng để đóng mới 2 tàu cá võ thép, ký hiệu QB- 91977-TS và QB- 91978-TS.
Vì động cơ vụ lợi, Thành đã cố ý sang vùng biển Malaysia đánh bắt thủy hải sản trái phép nhằm thu lợi cao thì bị chính quyền sở tại bắt giữ cả 2 tàu.
Để tiếp tục có tàu đánh bắt thủy sản trái phép từ Malaysia, Thành bàn với Công và thống nhất giao Trần Minh Toàn gặp Nguyễn Bảo Long để làm giả 2 bộ hồ sơ tàu cá số ký hiệu QB-91987-TS và QB-92983-TS nhằm thay thế 2 bộ hồ sơ tàu cá đã bị bắt giữ. Đồng thời mua 2 thiết bị giám sát hành trình mới với số tiền 400 trăm triệu và được Long đồng ý làm.
Nhằm tránh bị bắt giữ, Thành chỉ đạo Toàn móc nối với Vân đang sinh sống tại Malaysia mua thông tin về kế hoạch tuần tra của Hải quân Malaysia, để che dấu hành vi trái phép.
Sau khi đã thống nhất, Thành, Toàn, Hòa trực tiếp sang Malaysia chuộc các tàu về Việt Nam và giao cho Hòa trước khi cập cảng Việt Nam sửa lại ký hiệu các tàu cá cũ sang ký hiệu mới, nhằm phù hợp với 2 bộ hồ sơ để làm thủ tục nhập cảng.
Sau đó, Thành, Nhật, Tài, Hòa đã kêu gọi được 26 ngư dân sang Malaysia, mặc dù biết trái phép nhưng tất cả đều đồng ý.
Khi mọi việc được thống nhất và hoàn tất các thủ tục pháp lý, Công chỉ đạo các tàu xuất bến tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị vào ngày 6/9/2022.
Khi các tàu đến vị trí 7 độ giáp 6 độ vĩ Bắc, Công ngắt kết nối các thiết bị giám sát hành trình để đi vào vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản trái phép.
Quá trình đánh bắt, theo thông tin do Toàn mua được từ Vân, Công điều khiển tàu lẫn tránh ở nhiều vị trí khác nhau. Đến ngày 16/2/2023, do không nắm rõ ranh giới biển giữa Malaysia và Indonesia, Công đã chạy tàu vào vùng biển của Indonesia khai thác thì bị Hải quân nước sở tại bắt giữ 2 tàu, cùng toàn bộ ngư dân.
Đến tháng 9/2023, thông qua công tác ngoại giao, các thuyền viên được thả về nước. Riêng Thành, Công và Toàn bị khởi tố bắt tạm giam từ ngày 14/10/2023.
Tại phiên tòa, các bị cáo được HĐXX phân tích, tuyên truyền, qua đó đã nhận thức rõ hành vi vi phạm và tỏ rõ ân năn hối cải, đồng thời mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với cộng đồng.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước, xâm phạm an ninh đối nội và đối ngoại, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh.
Mặt khác, hành vi phạm tội của các bị cáo đã thực hiện còn gây làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên biển, ảnh hưởng đến chính sách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), dẫn đến Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu cảnh báo Thẻ vàng IUU, làm thiệt hại lớn về kinh tế, gây ảnh hưởng đến uy tín của đất nước trên trường Quốc tế. Vì vậy, cần xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh chung.
Trên cơ sở xem xét hành vi phạm tội, căn cứ cáo trạng, lời khai bị cáo, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Thành 9 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”; 3 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội là 12 năm tù.
Bị cáo Trần Minh Toàn 7 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”; 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hình phạt chung là 9 năm tù.
Xử phạt bị cáo Phạm Chí Công 7 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”; 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; 2 năm tù về tội “Cản trở hoạt động của phương tiện điện tử”. Tổng hợp hình phạt 3 tội danh là 11 năm tù.
Tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nhật 5 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Quảng Bình, cơ quan chủ trì Phiên tòa giả định cho biết: Thông qua phiên tòa nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình về khai thác thủy hải sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế.
Qua đó, giúp công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản trên địa bàn ngày càng hiệu quả, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của Ủy ban châu Âu áp dụng đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.
“Phiên tòa giả định cho thấy việc khai thác hải sản trái phép không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn phải chịu hình phạt tù. Hơn nữa còn làm thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước vì không xuất khẩu được thủy sản ra nước ngoài”, chủ tàu cá QB-92792-TS Trần Văn Hải (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) nói.