Có một phiên chợ mà việc bán mua chẳng quan trọng, nhưng lại là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu (xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), có từ năm 1919, được họp duy nhất 1 lần trong năm vào ngày 27/3 âm lịch.
Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.
Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khâu Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ hàng tộc cô Út vác cung vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, 2 người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 hàng năm sẽ lại đến Khâu Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách.
Đây là địa điểm để những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, gặp gỡ để ôn lại những tình cảm xưa. Họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người. Không chỉ là những chàng trai cô gái mới lớn tìm tình yêu cho mình, mà còn có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ. Đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau.
Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ tình Khau Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan.
Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới.
Một số hình ảnh tại chợ tình Khâu Vai năm 20.