Các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi hành động toàn cầu trong bối cảnh những gì họ nói có thể dẫn đến "tội ác chống lại loài người" ở Sudan. Liên hợp quốc đặc biệt lo lắng về phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc xung đột.
4 tháng sau cuộc xung đột ở Sudan, tình hình đang xấu đi nhanh chóng với tình trạng người dân phải sơ tán trên diện rộng và nguy cơ đói kém đang rình rập, các tổ chức nhân đạo hôm thứ Ba cảnh báo, đồng thời kêu gọi những hành động toàn cầu.
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Sudan vào ngày /4, đất nước này đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Những cảnh báo của Liên hợp quốc về các vụ giết người tùy tiện và lạm dụng tình dục tràn lan cho thấy tình hình nghiêm trọng ở nước này.
Các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ cho biết trong một tuyên bố chung rằng, tình hình ở Sudan "đang vượt khỏi tầm kiểm soát".
Đại diện 20 tổ chức toàn cầu đã chỉ ra rằng "hơn 14 triệu trẻ em đang cần viện trợ nhân đạo và hơn 4 triệu người đã phải chạy trốn khỏi cuộc chiến, hoặc ở lại trong đất nước đang bị chiến tranh tàn phá hoặc tị nạn sang các quốc gia láng giềng”, tuyên bố cho biết.
Liên hợp quốc bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái bị cuốn vào cuộc xung đột, trong bối cảnh "tỷ lệ bạo lực tình dục nghiêm trọng, bao gồm cả cưỡng hiếp".
Cô Laila Baker, Giám đốc Khu vực của các Quốc gia Ả Rập tại UNFPA, cơ quan của Liên hợp quốc về sức khỏe sinh sản và tình dục, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng hơn 900% tại các khu vực xung đột về bạo lực giới tính. Cô nhấn mạnh rằng "phụ nữ có nguy cơ bị lạm dụng rất cao".
Tuyên bố chung cũng nói rằng, các cuộc tấn công được báo cáo rộng rãi chủ yếu nhắm vào thường dân, cướp bóc nguồn cung cấp nhân đạo và nhắm mục tiêu vào các nhân viên cứu trợ. Điều này "có thể dẫn đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người".
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) cho biết số liệu của họ (nhiều khả năng vẫn chưa phải là con số thống kê đầy đủ) cho thấy, hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, trong đó có 28 nhân viên nhân đạo và y tế cùng 435 trẻ em.
OHCHR chỉ trích những phản ứng mờ nhạt của quốc tế trong suốt 4 tháng sau cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan, do Tướng Abdel Fattah Burhan lãnh đạo, và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) của cựu cấp phó của ông, Mohammed Hamdan Dagalo.
"Không có lý do gì để chờ đợi. Hãy thay đổi điều đó", tuyên bố cho biết, đồng thời đưa ra 2 lời kêu gọi hỗ trợ tài chính với tổng số tiền hơn 3 tỷ đô la (2,74 tỷ euro).
Liên hợp quốc cho biết, đến nay họ mới nhận được một phần tư trong số 2,57 tỷ đô la (2,35 tỷ euro) mà họ đã kêu gọi để giúp đỡ người dân ở Sudan và chỉ 31% trong số 566 triệu đô la (517,32 triệu euro) được yêu cầu để giúp đỡ những người đã bỏ trốn khỏi đất nước, tị nạn sang các nước láng giềng.
William Spindler, phát ngôn viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, chiến tranh đã khiến hơn 4,3 triệu người phải di tản.
Những nỗ lực trước đây để ngăn chặn bạo lực đã thất bại. Mỹ và Arab Saudi trước đây đã làm trung gian cho các nỗ lực hòa bình ở thành phố Jeddah. Đã có ít nhất 9 thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến.