“Con bị đánh bằng thanh gỗ đặc dài và dày, thanh gỗ có nhiều góc cạnh, bị đánh liên tiếp vào tay chân và đùi mông. Không chỉ dừng lại ở đó, cô Q. còn dùng gậy di đi di lại nhiều lần vào mặt, mũi dẫn đến mũi con bị va chạm và chảy máu", cháu M. kể lại giây phút bị bạo hành đến giờ vẫn còn ám ảnh, kinh hãi.
Ngày 8/11, Pháp luật Plus (báo Pháp luật Việt Nam) nhận được đơn “cầu cứu” của chị N.V.M.A (trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội). Chị A. cho biết, chị là mẹ ruột của cháu V.A.M. (SN 2012). Ngày 23/10, con chị đã bị bà N.K.Q. bạo hành, bà Q. đã dùng gậy to và dài đánh liên tiếp vào mông, đùi, cánh tay của cháu M. Chị M.A. cho biết, bà Q. là người đang sống cùng với ông V.M.T. - bố của cháu M.
Theo chị A, chị và ông V.M.T có 1 người con chung là cháu M. Năm 2022, do có công việc kinh doanh phải làm việc và thường phải lưu trú tại Sài Gòn nên ông T. xin đón cháu M. về ở cùng tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (TP. Hà Nội) để tiện học tập. Ông T. hứa sẽ chăm sóc cho M. thật tốt và chu đáo, tin lời nên chị A. đã đồng ý.
Tuy nhiên, kể từ khi cháu M. về ở với gia đình bố và ông bà nội, ông T. đã lấy lý do con học dốt, không tập trung học và đã tịch thu mọi phương tiện liên lạc với chị A., từ điện thoại cho đến ipad. Sau này, mọi liên hệ với con, chị A. đều phải qua cô giáo chủ nhiệm hoặc nhờ bà ngoại gọi cho ông nội để hỏi tình hình của con.
Ngay khi phát hiện con bị bạo hành, mũi vẫn chảy máu và trên người rất nhiều vết bầm tím, Chị M.A. đã đến cơ quan công an phường Bồ Đề để trình báo, sau đó đã đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để làm các xét nghiệm cần thiết.
Cụ thể, kết quả trên phiếu nội soi tai mũi họng của cháu V.A.M. tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đó là khe và sàn mũi đọng dịch mũi, cuốn mũi nề, điểm mạch kisselback bên trái giãn, điểm mạch kisselback bên phải mạch máu giãn, có vảy máu cũ...
Đồng thời, khám lâm sàng về mặt ngoài 1/3G cẳng tay trái, mặt trước gối phải, phần dưới mông trái có vết bầm tím dưới da, vùng sống mũi nề nhẹ, ép nửa khung chậu trái đau. Các bác sĩ chẩn đoán cháu M. bị chấn thương đụng giập phần mềm bầm tím dưới da vùng mông trái, gối phải, cánh tay và khuỷu tay trái.
Ngày 20/10/2023, chị A. có nhờ mẹ mình nhắn tin và gọi điện cho bố của ông T. để đón cháu M. tại trường về chơi ngày thứ 7 và chủ nhật, đến tối chủ nhật (ngày 22/10/2023) sẽ cho con về lại bố.
Nhưng đến sáng ngày 25/10/2023 (đúng ngày sinh nhật M.), chị A. có nhận được cuộc gọi từ 1 số điện thoại lạ, đầu dây bên kia là giọng của cháu M., cháu bảo con bị cho nghỉ học rồi và bảo mẹ đến đón con.
Ngay khi đón con về, chị A. sốc nặng khi nhìn thấy toàn thân con bầm tím, gặng hỏi mãi thì M. có nói là con bị bà N.K.Q. (SN 1984) bạo hành. Chị M.A. cho biết, bà Q. là người đang sống chung với ông V.M.T. - bố của cháu M.
Ngay sau khi nhận được đơn kêu cứu của chị N.V.M.A, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã gặp trực tiếp cả 2 mẹ con chị N.V.M.A để tìm hiểu thông tin.
Cháu M. kể lại sự việc, sau khi cháu đi chơi với mẹ vào tối 22/10/2023 về thì cháu bị bà N.K.Q. chửi mắng. Đến ngày 23/10/2023, sau khi đi học, ăn cơm xong thì cháu M. tiếp tục bị bà N.K.Q. gọi lên phòng và chửi bới, đánh đập với lý do đi chơi với mẹ đẻ không xin phép.
Cháu M. sợ sệt kể lại: “Con bị đánh bằng thanh gỗ đặc dài và dày, thanh gỗ có nhiều góc cạnh, bị đánh liên tiếp vào tay chân và đùi mông. Không chỉ dừng lại ở đó, cô Q. còn dùng gậy di đi di lại nhiều lần vào mặt, mũi dẫn đến mũi con bị va chạm và chảy máu liên tiếp gần 30 phút.
Trong lúc bị đánh và bạo hành, con có gào khóc liên tục nói xin lỗi nhưng vẫn bị đánh. Lúc đó, bố và ông bà nội có biết con bị đánh nhưng không hề can ngăn. Sau khi đánh xong, cô Q. đã bắt con nín khóc”.
Cháu M cũng cho biết, trong ngày -25/10 cháu cũng không được đi học. Trong những ngày bị nghỉ học ở nhà, cháu tiếp tục bị bạo hành tinh thần bị nhục mạ và chửi bởi, bắt lau dọn làm việc nhà khi toàn thân chi chít vết thương.
Trao đổi với phóng viên, chị M.A khóc nấc: "Thực sự từ khi sinh V.A.M đến giờ tôi chưa bao giờ đánh cháu cả, vì con là một cậu bé rất ngoan, biết nghe lời và luôn giúp đỡ mọi người xung quanh. Tôi thực sự sốc khi nhìn con bị bạo hành như vậy, cháu vẫn còn bé, nhưng đã không có được trọn vẹn đầy đủ tình thương của cả bố và mẹ, nên tôi thực sự đau lòng. Tôi cũng không thể ngờ được bà Q. lại đối xử với cháu như vậy".
"Tôi trách sự thờ ơ của những người lớn trong gia đình đó. Từ khi tôi đón cháu M. về, gia đình bố không hỏi han về tình hình sức khoẻ của cháu... Tôi không cần họ phải đền bù gì cho con tôi cả, chỉ mong pháp luật hãy vào cuộc để đưa vụ việc này ra ánh sáng và phần nào đòi lại công bằng cho con trai tôi, cháu còn bé sẽ ảnh hưởng về mặt thể chất và cả tinh thần sau này", chị M.A. bày tỏ.
Chiều ngày 9/11, trao đổi với phóng viên, đại diện Trường THCS nơi cháu M. đang học cho biết, M. là 1 học sinh ngoan, hòa đồng với bạn bè, được các thầy cô yêu quý. Em M. thuộc diện học khá của lớp.
Đại diện nhà trường cũng thông tin về việc trước đó ngày và 25/10 học sinh M. có nghỉ học, nhà trường đã liên hệ với bố mẹ em nhưng không được. Và chỉ biết thông tin qua 1 người anh học cùng trường cho biết là M. được gia đình cho nghỉ học.
Cô giáo chủ nhiệm của cháu M. thông tin: "Sau khi M. nghỉ học, cô giáo cũng liên hệ với gia đình cháu nhưng không được. Đến ngày 25/10, mẹ của em M. có trao đổi với cô về việc con bị vợ của bố bạo hành và nhờ nhà trường phối hợp với cơ quan công an để làm việc. Vì học sinh còn đau nhiều do bị đánh, nên mẹ của M. có xin phép cho con nghỉ học và con đi học lại vào ngày 30/10".
Ngày 10/11, trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Trung tá Vũ Xuân Tính - Trưởng Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn của mẹ cháu M., đồng thời đã chuyển hồ sơ lên Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên để thụ lý giải quyết.
"Đơn vị đã nhận được hồ sơ vụ việc và hiện nay đang tổ chức xác minh để giải quyết, khi nào có thông tin chính thức chúng tôi sẽ thông tin cụ thể", Đại tá Hứa Việt Hưng, Trưởng Công an quận Long Biên thông tin.
(Tên nhân vật cháu bé trong bài đã được thay đổi).