Sáng 8/8, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về một số nội dung mới của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tháng 6/20. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí Lãnh đạo, Thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc TANDTC.
Hội nghị được kết nối trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trung tâm – TANDTC với điểm cầu thành phần: Vụ Công tác phía nam; TAND cấp cao; TAND cấp tỉnh, cấp huyện; TAQS các cấp; Học viện Tòa án (gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống).
Luật có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhiều đột phá, thiết thực và tạo ra các hành lang pháp lý
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh về sự quan trọng những nội dung của buổi tập huấn. Trong đó, một số vấn đề mới của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được quốc hội thông qua tháng ngày /6/20 và an ninh mạng đối với việc hướng tới Tòa án điện tử, cùng với sự phát triển xã hội số của toàn xã hội, sự an toàn, an ninh…
Truyền đạt nội dung về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết Luật đã được Quốc hội thông qua. Quá trình xây dựng dự thảo Luật được thai nghén và được chuẩn bị hết sức kỹ, trong nhiều năm, từ việc tổng kết thi hành Luật từ năm 2014 đến nay, đến tham khảo các bộ luật, tổ chức các đoàn đi tham khảo của nhiều nước, tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế với quy mô khác nhau.
“Theo đánh giá của Quốc hội, các chuyên gia, Luật có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhiều đột phá, thiết thực và tạo ra các hành lang pháp lý cho sự phát triển lâu dài của Tòa án và tiệm cận với trình độ chung của quốc tế”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng Tòa án là cơ quan đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó một trong những trụ cột của Nhà nước pháp quyền chính là cải cách tư pháp.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Luật, trong đó đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp, đó là: (1) Quyền xét xử các tranh chấp, vi phạm pháp luật; (2) Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; (3) Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Đặc biệt, việc đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án đã bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án; Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Không quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.
Bên cạnh đó, Luật đã cũng bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án: Tòa án xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật: Luật quy định các vi phạm hành chính mà Tòa án có thẩm quyền xét xử; Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án,vụ việc: Quyền + trách nhiệm của Tòa án làm rõ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Ngoài ra, Chánh án thông tin những điểm mới về đổi mới tổ chức hệ thống TAND, tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC, tổ chức lại bộ máy giúp việc của TAND cấp cao; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt và Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, về Thẩm phán; các chức danh tư pháp khác, công chức khác và người lao động trong TAND; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, đạo đức, trách nhiệm của Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tòa án; về hội thẩm; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp…
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tạo đà cho sự phát triển của Tòa án trong tương lai
Ngày 01/01/2025, Luật có hiệu lực thi hành, Chánh án yêu cầu từ giờ đến cuối năm, các hoạt động (kiểm tra, tổng kết…) cần được đẩy lên sớm hơn.
Để tập trung cho Luật đi vào cuộc sống, trước hết, cần tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức TAND, văn bản quy định chi tiết và việc triển khai thi hành Luật; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và kiểm soát quyền lực; xây dựng, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật; thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia; kiện toàn tổ chức bộ máy TAND.
Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán TAND; quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán TAND; xây dựng và đề xuất về chế độ bảo vệ Thẩm phán; bậc Thẩm phán; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án; sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong TAND; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các TAND; bảm bảo điều kiện hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm.
“Có thể nói, Luật mới có rất nhiều nội dung tiến bộ. Đảng, nhà nước quan tâm đến cải cách tư pháp, nhiều chế độ, đãi ngộ ưu tiên và chúng ta cũng cần xác định trách nhiệm rất cao cả trước số phận con người, trước công lý, công bằng xã hội, vậy chúng ta phải làm cho tốt, cho chất lượng, nhanh, đúng luật. Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được thông qua, chúng ta đã có một hành lang pháp lý tốt, hy vọng Luật sẽ tạo đà cho sự phát triển của Tòa án trong tương lai tốt hơn, chất lượng công tác tốt hơn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Trong phần tiếp theo của buổi tập huấn, các đại biểu trong toàn hệ thống đã được nghe nội dung về nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, bí mật nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Tòa án.
Theo đó, các chuyên đề: (1) Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin trong công cuộc chuyến đổi số tại Việt Nam; các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin; hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu trên không gian mạng; (2) Những điều cần biết về các mã độc tống tiền - (Ransomware...), nhận diện dấu hiệu bị tấn công và giải pháp phòng, chống; (3) Các vấn đề cấp thiết đối với công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng tại các cơ quan Nhà nước; nhận diện các chiêu trò, dầu hiệu lừa đảo trên không gian mạng: kỹ năng chấp hành các quy định về đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; (4) Phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm vệ dữ liệu và bí mật nhà nước.
Lần lượt do 4 chuyên gia trình bày: Trần Mạnh Thắng, Tiến sĩ, Phó Trưởng phòng Phòng An toàn hệ thống thông tin - Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT; Trần Thái Đức, Chuyên gia về An ninh mạng, Công ty An ninh mạng VIETTEL, Tập đoàn Công nghiệp — Viễn thông Quân đội; Nguyễn Đức Dũng, Thượng tá, Phó Trưởng phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; Ngô Đức Thắng, Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban cơ yếu Chính phủ.