Cải cách tư pháp

Luật Tư pháp người chưa thành niên: “Cú hích” trong cải cách tư pháp

Đỗ Việt 02/01/2025 :44

Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người chưa thành niên là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, sau nhiều năm nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, tổng kết thực tiễn, TANDTC đã xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người chưa thành niên

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam có một số đạo luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em …đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ người chưa thành niên nói chung và trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên nói riêng. Tuy nhiên, theo TANDTC, qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật nhận thấy vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập.

Đơn cử, các quy định về tư pháp người chưa thành niên còn tản mạn ở nhiều đạo luật khác nhau nên chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Ngoài ra, một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều tầng nấc dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao.

Mặt khác, những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên bị xâm hại cũng như tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này đe dọa trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tác động xấu đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

anh-1.jpg
Bà Hoàng Song Mai, Trưởng phòng Phòng Hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học TANDTC)

Là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, với tinh thần trách nhiệm cao, TANDTC đã chủ trì nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên nhằm hướng tới các mục tiêu bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên tham gia vào quá trình tố tụng hình sự.

Đồng thời, bảo đảm các thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp đối với người chưa thành niên; nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án và tái hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xây dựng luật cũng nhằm khắc phục tình trạng pháp luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên còn tản mạn, thiếu đồng bộ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự nói riêng.

Quá trình nghiên cứu, TANDTC tổ chức 8 hội thảo quốc tế, 3 đoàn khảo sát ở nước ngoài, 3 đoàn khảo sát trong nước cùng nhiều cuộc họp kỹ thuật với các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, TANDTC đã có công văn xin ý kiến của hơn 10 bộ ngành có liên quan, trong đó có cơ quan của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ...giải trình, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý để xây dựng một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên.

Đa số các đơn vị góp ý đều bày tỏ thống nhất cao sự cần thiết có một đạo luật riêng về luật tư pháp người chưa thanh niên nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên và đáp ứng nhu cầu hoàn thiện pháp luật từ thực tiễn.

Ghi dấu với thủ tục tố tụng riêng biệt và thân thiện

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Song Mai, Trưởng phòng Phòng Hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học TANDTC) cho biết, Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 7 biện pháp mới được bổ sung so với Bộ luật Hình sự trước đây.

Việc bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm người chưa thành niên tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự được đối xử công bằng, thân thiện, hạn chế tối đa trường hợp người chưa thành niên bị đưa ra xét xử và áp dụng hình phạt, tạo điều kiện cho họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, giúp người chưa thành niên tránh bị tác động từ hoạt động tố tụng nghiêm khắc như hiện hành.

Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên.

Cũng theo nhận định của bà Mai, một trong những điểm nổi bật của Luật này đó là bổ sung các quy định về tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên. Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử cũng phải ngắn hơn so với vụ án hình sự thông thường và việc lấy lời khai, khám xét người, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và phải có sự tham gia của người đại diện, người bào chữa. Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai.

Thủ tục tố tụng được tiến hành bởi Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

“Các quy định về thủ tục xét xử của Luật này cũng thể hiện tính riêng biệt, thân thiện khi giao cho Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc do Thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án hình sự và xử trong phòng xử án thân thiện. Khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác; cho phép người làm công tác xã hội trình bày Báo cáo điều tra xã hội đối với người chưa thành niên. Việc xét hỏi, tranh luận phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của người chưa thành niên…”, bà Mai cho biết thêm.

Tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc

Tại một cuộc hội thảo quốc tế “Lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên” diễn ra vào ngày 14/12/2023, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao dự thảo Luật có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo tính thân thiện nhân văn, giáo dục cao. Không chỉ quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên mà còn đưa ra các quy định về tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên và các thủ tục liên quan từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn sau khi kết thúc thủ tục tố tụng hình sự như thi hành án và tái hòa nhập cộng động.

anh-2(1).jpg
PGS. TS. Đỗ Thị Phượng chia sẻ ý kiến tại một cuộc hội thảo quốc tế “Lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên” diễn ra vào ngày 14/12/2023 ở Vĩnh Phúc.

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Phượng (Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội): “Việc ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng là một sự tiến bộ trong tư pháp hình sự không phải chỉ đối với người chưa thành niên phạm tội mà còn đối với cả bị hại. Điều quan trọng nhất của xử lý chuyển hướng đó là khôi phục lại cho bị cáo và bị hại giá trị ban đầu của họ, được phát triển lành mạnh, bù đắp, chữa lành các tổn thương. Việc người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng và đưa ra ngoài quy trình tố tụng hình sự sớm có thể sẽ giảm đáng kể tình trạng người chưa thành niên tái vi phạm pháp luật trong tương lai”.

Trong Chương trình Kỳ họp thứ 8 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định diễn ra vào sáng 30/11/20, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên được nhiều đại biểu đánh giá là “cú hích” trong tiến trình cải cách tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tư pháp người chưa thnh niên: “Cú hích” trong cải cách tư pháp