Nhiệm kỳ 2025 - 2030 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của xã Măng Đen (tỉnh Quảng Ngãi), khi địa phương này đã và đang đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ và du lịch. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ của xã ước đạt 8 tỷ đồng, một tỷ lệ ấn tượng phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang dịch vụ…
Sáp nhập hành chính – nền tảng mới cho phát triển
Theo Nghị quyết 1677/NQ-UBTVQH ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Măng Đen chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị hành chính là xã Măng Cành, xã Đắk Tăng và thị trấn Măng Đen.
Sau sáp nhập, xã Măng Đen có diện tích tự nhiên 39.692 ha, quy mô dân số 9.0 người. Đây là tiền đề quan trọng để quy hoạch tổng thể, khai thác hiệu quả tiềm năng tự nhiên và nguồn lực con người, tạo ra bước phát triển toàn diện và bền vững.
Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất toàn xã năm 2025 đạt 1.953 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực với tỷ trọng ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 30,5%, công nghiệp – xây dựng 27,3%, thương mại – dịch vụ 42,2%. Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 600 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/năm, vượt kế hoạch 146,4%. Thu ngân sách nhà nước đạt 7,4 tỷ đồng, tương đương 4,9% chỉ tiêu kế hoạch.
Măng Đen đang dần khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất khu vực Tây Nguyên. Năm 20, xã đã đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, con số này ước đạt 1,56 triệu lượt vào cuối năm 2025, một mức tăng trưởng vượt bậc trong bối cảnh du lịch nội địa đang cạnh tranh khốc liệt. Hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư đồng bộ với 143 cơ sở lưu trú, tổng cộng 1.280 phòng nghỉ, có khả năng phục vụ 6.000 lượt khách lưu trú/ngày đêm.
Toàn xã hiện có 07 điểm du lịch được tỉnh công nhận. Đặc biệt, Măng Đen đã và đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với hai làng du lịch đã được công nhận tại thôn Kon Pring và thôn Vi Rơ Ngheo. Đồng thời, hai làng du lịch cộng đồng mới mang đậm bản sắc địa phương – làng cà phê Kon Chênh và làng Kon Vơng Kia – cũng đang được hình thành, hứa hẹn tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách yêu thích trải nghiệm văn hóa bản địa.
Ngoài ra, xã đã triển khai nhiều mô hình dịch vụ du lịch mới như Chợ phiên Măng Đen, Khu kinh tế đêm và Vườn nghệ thuật Măng Đen, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được chú trọng, đảm bảo bình ổn giá cả, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và du khách.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch
Song song với phát triển du lịch, Măng Đen cũng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại. Tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản năm 2025 ước đạt 595 tỷ đồng. Chính quyền địa phương đã tập trung chuyển đổi diện tích trồng cây truyền thống như sắn, ngô, lúa rẫy sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê xứ lạnh, dược liệu và cây ăn quả.
Diện tích trồng rau, củ, quả xứ lạnh cũng được mở rộng, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình sản xuất mới dần được nhân rộng và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt cho cả thị trường trong nước và khách du lịch.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá và tiêu thụ nông sản địa phương thông qua du lịch.
Theo ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Măng Đen, trong năm 2025, xã Măng Đen đã thu hút 52 dự án đầu tư với tổng diện tích hơn 4.000 ha và tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Kon Tum (cũ) nay là tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương cho 03 dự án đầu tư khu đô thị – dịch vụ với quy mô gần 800 ha, tổng vốn hơn 26.466 tỷ đồng. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song song, phong trào hợp tác xã phát triển mạnh mẽ với 42 hợp tác xã được thành lập, tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản và dịch vụ du lịch.
“Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Măng Đen đang dần khẳng định vị thế là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mang tầm khu vực. Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại chính là điểm nhấn để địa phương này trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Măng Đen hôm nay không chỉ là vùng đất của rừng thông và khí hậu mát mẻ quanh năm, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ, một hình mẫu về phát triển kinh tế xanh, bền vững và mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập”, ông Thắng nói.