Đời sống

Mở đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, thuốc, thực phẩm chức năng giả

Thanh Phương 08/05/2025 - 16:09

Trước tình trạng nhiều loại hàng giả và đường dây sản xuất thuốc giả khủng mới bị triệt phá khiến dư luận hoang mang, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã mở đợt cao điểm đấu tranh, xử lý.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ra quân đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với hàng hoá là sản phẩm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng.

thuocgia.jpg
Cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn

Theo đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, giám sát đối với nhiều cơ sở kinh doanh, nhà phân phối trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Cơ quan chức năng sẽ tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như: sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, các nhu yếu phẩm như mì chính, hạt nêm, dầu ăn… và các sản phẩm nằm trong danh sách 84 danh mục sản phẩm sữa đã phát hiện, thu giữ trong đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa được Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an triệt phá trong thời gian qua.

bentrong.jpg
Bên trong cơ sở sản xuất thuốc giả vừa bị triệt phá

Trong đợt cao điểm này, lực lượng Công an cũng tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Thuốc giả là một vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, gây ra nhiều tác hại không chỉ cho sức khỏe của người dùng mà còn cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

kiemtra.jpg
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khi phát hiện có sai phạm

Theo các chuyên gia, thuốc giả thường không chứa các thành phần hoạt chất cần thiết hoặc chứa các chất độc hại, có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho người sử dụng.

Một số thuốc giả có thể không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa một lượng rất nhỏ, dẫn đến việc người bệnh không đạt được hiệu quả điều trị. Điều này có thể làm tăng tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Việc sử dụng thuốc giả có thể dẫn đến tình trạng bệnh không được điều trị hiệu quả, làm cho bệnh tiến triển nặng hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn gây khó khăn cho bác sĩ trong việc đưa ra chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Khi bệnh nhân sử dụng thuốc giả, họ có thể phải chi tiêu nhiều hơn cho việc điều trị các biến chứng hoặc bệnh tật phát sinh do thuốc giả gây ra. Điều này làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và cho chính bệnh nhân.

Sự xuất hiện của thuốc giả có thể làm giảm niềm tin của người dân vào các cơ sở y tế, bác sĩ và các sản phẩm dược phẩm chính hãng. Điều này có thể dẫn đến việc người dân không tuân thủ điều trị hoặc từ chối sử dụng thuốc khi cần thiết.

Thuốc giả không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho các công ty dược phẩm hợp pháp, làm giảm doanh thu và uy tín của họ.

Việc phát hiện và xử lý thuốc giả là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý y tế. Nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, từ sản xuất đến phân phối và tiêu thụ.

Để ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của thuốc giả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức y tế, doanh nghiệp dược phẩm và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về các dấu hiệu nhận biết thuốc giả.

Ngày 7/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực dược và an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sữa, thực phẩm chức năng và thuốc giả. Những hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, ngày càng tinh vi và dễ dàng len lỏi vào các khâu phân phối.

Hiện nay đã có Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật... Tuy nhiên, các vụ vi phạm vẫn tiếp diễn, cho thấy lỗ hổng trong việc thực thi. Các đơn vị có liên quan cần rà soát và đánh giá để xác định việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đang giao Sở Y tế và Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe trên địa bàn; thực hiện thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Sở Công thương chủ trì, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tập trung tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi, giám sát thị trường nhằm kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông, nhất là các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trong đó, tập trung vào các kênh bán hàng nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội..., nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng (Sở Y tế, Công an tỉnh...) rà soát, kiểm tra toàn diện với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là nhóm mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở đợt cao điểm đấu tranh chống hng giả, thuốc, thực phẩm chức năng giả