Nửa đầu 2022 đã chứng kiến nhiều biến động của Kpop. Hng loạt nghệ sĩ đạt được ở nhiều lĩnh vực khác nhau như doanh số bán album, bảng xếp hạng âm nhạc, tổng lượt phát nhạc trực tuyến. Bên cạnh những thnh tích thì cũng cn nhiều hạn chế, hỗn loạn của thị trường âm nhạc ny khiến người hâm mộ vẫn cảm thấy lo ngại.
Nửa đầu năm 2022 tại Kpop ghi dấu ấn với những ca khúc hit, thành tích vô cùng "khủng" trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Các buổi biểu diễn trong nước, lưu diễn quốc tế dần quay trở lại khi lệnh giãn cách xã hội trên toàn thế giới gần như được gỡ bỏ hoàn toàn. Sau hơn hai năm, người hâm mộ Kpop cuối cùng cũng có cơ hội gặp mặt thần tượng trực tiếp.
Dựa trên loạt thành tích nghệ sĩ Kpop đạt được ở nhiều lĩnh vực khác nhau như doanh số bán album, bảng xếp hạng âm nhạc, tổng lượt phát nhạc trực tuyến, có thể nói ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã có nửa đầu năm 2022 khá thành công.
Khoảnh khắc đáng nhớ, điển hình sự kiện BTS gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, SCMP cho rằng chưa có sự kiện nào "thực sự định nghĩa được Kpop năm 2022". Nói cách khác, tương lai ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trong nửa cuối năm còn lại dự kiến trải qua nhiều biến chuyển lớn.
Sau hai năm trì hoãn, kể từ những tháng đầu năm 2022, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt nghệ sĩ Kpop thông báo kế hoạch lưu diễn. Các chuyến lưu diễn liên tục gặt hái thành công.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp Kpop phải đối mặt trở ngại mới khi phần lớn nhóm nhạc có thành viên mắc Covid-19 trong quá trình hoạt động tại nước ngoài.
Nam ca sĩ Tae Il (NCT127) được chẩn đoán mắc Covid-19 ở Nhật Bản trước khi nhóm khởi động chuyến lưu diễn. Do vậy, anh không thể tham dự một số buổi concert như dự kiến.
Mới đây, IST Entertainment thông báo nam ca sĩ Q, Ju Yeon và Kevin (The Boyz) nhận kết quả dương tính khi nhóm đang lưu diễn tại Mỹ.
Kết quả, The Boyz buộc tạm hoãn vô thời hạn hai buổi hòa nhạc tại Dallas và San Jose. Một số nghệ sĩ trở thành F0 sau khi hoàn thành lưu diễn, điển hình các thành viên của TWICE.
Ngoài ra, 2022 đánh dấu thời điểm hết hạn hợp đồng của một số nhóm nhạc nổi tiếng. Trong khi Seventeen đã gia hạn hợp đồng, các nhóm nhạc như TWICE, iKON, DAY6 chưa đưa ra thông báo chính thức về quyết định của họ. Điều này khiến người hâm mộ lo lắng cho tương lai nhóm.
Các thay đổi diễn ra kể từ năm 2021, cộng với loạt sự kiện xảy ra gần đây thể hiện rõ rằng thị trường âm nhạc xứ kim chi đang trải qua nhiều biến động, dù là với tên tuổi hàng đầu hay ca sĩ tân binh.
Ví dụ điển hình có thể kể đến Le Sserafim, nhóm nhạc nữ 6 người ra mắt vào ngày 2/5 với album Fearless. Sau chưa đầy một tháng debut, thành viên Kim Ga Ram buộc tạm ngừng hoạt động vì bị tố có hành vi xấu, dùng từ ngữ nhạy cảm, bắt nạt bạn học trong quá khứ.
Trực thuộc sự quản lý của Source Music - công ty con dưới trướng HYBE - đồng thời có sự góp mặt của hai cựu thành viên IZ*ONE là Sakura và Chae Won, Le Sserafim được kỳ vọng trở thành ngôi sao lớn tiếp theo tại Kpop, giống với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cùng công ty như BTS, Seventeen, GFriend.
Khi tranh cãi mới nổ ra, Source Music liên tục phủ nhận cáo buộc chống lại Kim Ga Ram. Về sau, trước sức ép dư luận cùng loạt lời buộc tội mới từ người tự xưng là bạn học cũ của Kim, công ty quyết định cho cô dừng hoạt động.
Công chúng có cảm giác màn ra mắt vốn rất được mong đợi của Le Sserafim và thành công của đĩa đơn Fearless đã gần như bị che lấp hoàn toàn bởi "tình huống hỗn loạn" này.
Đặc biệt, chứng kiến làn sóng tẩy chay mạnh mẽ dành cho Kim Ga Ram, theo SCMP, scandal này khó có thể đi đến hồi kết trong thời gian gần.
SCMP nhận xét: "Sự việc này tựa như khung cảnh thu nhỏ thể hiện rằng trong năm nay, nhiều nghệ sĩ Kpop đang tiến về phía trước trong tình trạng có vẻ hơi hỗn loạn, và họ ở thế bị động hơn là chủ động".
Một tranh cãi khác liên quan tới nhóm nhạc nữ xảy ra trong thời gian gần đây là về cuộc thi Queendom 2, phần hai của show truyền hình nổi tiếng Queendom.
Với tổng cộng 81.020 điểm, nhóm nhạc WJSN trở thành nghệ sĩ nắm giữ ngôi vị quán quân. Tuy nhiên, khán giả tỏ ra hoài nghi về chiến thắng của nhóm.
Không ít người cho rằng WJSN không thể đạt hạng một nếu xem xét kỹ các tiêu chí chấm điểm như tổng lượt bình chọn, thành tích nhạc số. Một số người hâm mộ bắt đầu chỉ trích đài truyền hình Mnet, đơn vị tổ chức cuộc thi, và Starship Entertainment, công ty quản lý của WJSN.
Cáo buộc khẳng định hai bên gian lận điểm số, tráo đổi thứ hạng bắt đầu nổi lên. Khán giả thậm chí gợi lại vụ bê bối dàn xếp kết quả, thao túng phiếu bầu ở series Produce 101 đình đám của Mnet trong quá khứ.
"Chiến thắng này đáng lẽ trở thành bệ phóng hỗ trợ sự nghiệp của WJSN. Tuy nhiên, nó đã bị phủ mờ bởi các lời buộc tội. Đây là tình cảnh trái ngược khi so sánh với thành công vang dội của mùa đầu tiên", SCMP viết.
Bên cạnh đó, việc nhập ngũ của thần tượng Kpop cũng trở thành chủ đề gây chú ý trong thời gian gần đây, khi có nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện nhóm nhạc nam BTS có nên được miễn nghĩa vụ quân sự hay không.
Loạt sự kiện trên tạo cảm giác như đang có làn sóng thay đổi lớn diễn ra ở ngành công nghiệp Kpop trong năm 2022, với những điều mông lung, "ít chắc chắn hơn trước đây".