Xã hội

Một thời xông pha, một đời ghi nhớ: Người chỉ huy và thời khắc thống nhất

Gia Ân 25/04/2025 - 08:17

Ngày 30/4 – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là ký ức không thể phai với những người lính như Đại tá Nguyễn Sơn Văn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Là người trực tiếp chỉ huy tiến vào Dinh Độc Lập, ông đã góp phần viết nên bản anh hùng ca hào hùng của đại thắng mùa xuân năm 1975.

Từ cậu học trò gác bút lên đường cứu nước

Sinh năm 1945 tại xóm 2, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An – mảnh đất giàu truyền thống cách mạng – Nguyễn Sơn Văn lớn lên trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.

10.jpg
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn (thứ 3, từ phải sang) bàn kế hoạch tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Năm 1963, tròn 18 tuổi, khi việc học hành còn dang dở, cậu học trò quê lúa quyết định gác bút, xung phong lên đường nhập ngũ. Đó là quyết định mà suốt cuộc đời ông không bao giờ hối tiếc.

Từ năm 1963 đến 1964, chàng lính trẻ Nguyễn Sơn Văn tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Lào. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kỷ luật nghiêm minh, ông cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sát cánh cùng quân và dân nước bạn đẩy lùi kẻ thù xâm lược.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, ông trở về nước và được cử đi đào tạo tại Trường Sỹ quan Lục quân. Năm 1966, với quân hàm Thiếu úy, ông trở lại chiến trường miền Nam trong đội hình Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.

9.jpg
Ông Nguyễn Sơn Văn hồi tưởng lại không khí tiến công thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh NVCC.

Tại đây, ông lần lượt đảm nhận nhiều cương vị quan trọng như trợ lý tác chiến, cán bộ chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn… trên khắp các chiến trường khốc liệt từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến cao nguyên Trung phần.

Một hành trình – Một trận quyết định lịch sử

Trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975, lịch sử bắt đầu chuyển mình. Ngày 26/3, khi đang làm nhiệm vụ chốt giữ tại Thượng Đức, Trung đoàn 66 nhận lệnh hành quân khẩn cấp ra đường 14, tiến thẳng về Đà Nẵng. Lúc ấy, ông Nguyễn Sơn Văn đang là cán bộ chỉ huy Trung đoàn – lực lượng chủ lực cơ động của Sư đoàn 304.

Tinh thần toàn đơn vị lên cao như sóng dâng. Không kể ngày đêm, các chiến sĩ vừa hành quân vừa chiến đấu, thần tốc đánh chiếm sân bay Nước Mặn, buộc quân địch tháo chạy tán loạn. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Trung đoàn tiếp tục tiến công các cứ điểm tại Phan Rang, Hàm Tân – những căn cứ cuối cùng trên đường vào Nam.

11.jpg
Niềm vui của bộ đội giải phóng và nhân dân Sài Gòn trong giờ phút chiến thắng (30/4/1975). Ảnh tư liệu.

Đêm 22/4/1975, đơn vị của ông có mặt tại đồn điền ông Quế (Bà Rịa – Vũng Tàu), rồi bí mật bất ngờ đánh chiếm Trường Sỹ quan Ngụy ở Long Thành (Đồng Nai).

Ngày 26/4, Trung đoàn 66 bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, theo hướng tiến công từ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn – tuyến đường chiến lược, quyết định vận mệnh của cả chế độ Sài Gòn.

23h đêm 29/4, đội hình thọc sâu vượt cầu sông Buông, cầu Sa Lộ (Biên Hòa), tiến thẳng về trung tâm Sài Gòn. Tại cầu Sài Gòn – cửa ngõ sống còn – quân địch kháng cự dữ dội nhằm cản bước tiến của ta.

Nhưng trước sức mạnh như vũ bão của quân giải phóng, chúng không thể giật sập cầu. Cả tiểu đoàn phòng ngự tại đây tan rã, nhiều binh lính vứt súng, cởi áo lính bỏ chạy.

Giọt nước mắt trong ngày toàn thắng

Sáng 30/4/1975, khi Sài Gòn còn ngổn ngang đổ nát, Trung đoàn 66 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn cùng Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ tiến thẳng về Dinh Độc Lập – biểu tượng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Ông kể: “Khi đến cổng, chiếc xe jeep chở tôi và anh Thệ rẽ qua cổng phụ Dinh Độc Lập, lúc đó đã mở. Cảm giác khó tả lắm… Khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được kéo lên trước Dinh, tôi biết, chúng tôi đã làm được điều không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến: chứng kiến lịch sử viết nên một chương mới!”

8.jpg
Với nhiều năm cống hiến, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý

Đúng 11h30 phút ngày 30/4, qua làn sóng phát thanh, cả Sài Gòn nghe thấy lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh.

Cũng là lúc nước mắt những người lính rơi – không phải vì sợ hãi hay mệt mỏi – mà vì niềm vui vỡ òa, vì bao nhiêu đồng đội đã không thể về chung khúc khải hoàn ca.

“Khó ai hình dung được cảm xúc lúc ấy. Phố phường đỏ rực cờ hoa, người dân Sài Gòn tràn ra đường, nước mắt chan hòa với nụ cười. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn nặng trĩu.

Hàng trăm, hàng ngàn đồng đội của tôi đã nằm lại dọc dải Trường Sơn, bên những dòng sông đỏ lửa, trên những ngọn đồi không tên… Chiến thắng này đổi bằng xương máu của họ.”

Sau ngày giải phóng, Đại tá Nguyễn Sơn Văn tiếp tục góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông chỉ huy đơn vị dẹp loạn Phun-rô ở Tây Nguyên, sau đó được cử ra Bắc học lớp đào tạo cán bộ cấp cao.

Trong suốt chặng đường binh nghiệp kéo dài hơn 43 năm, ông từng đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân đoàn 2, rồi chuyển công tác qua nhiều đơn vị khác trước khi về hưu.

Hơn 30 năm gắn bó với chiến trường miền Nam, dù ở bất kỳ vị trí nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người lính ấy – người từng ngồi trên xe jeep tiến vào Dinh Độc Lập sáng 30/4 huy hoàng – nay vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của một chiến sĩ Cụ Hồ.

Ông lặng lẽ sống đời thường tại quê nhà Diễn Châu, Nghệ An, mang trong tim ngọn lửa yêu nước luôn luôn rực cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời xng pha, một đời ghi nhớ: Người chỉ huy v thời khắc thống nhất