An ninh trật tự

"Mr Pips" sử dụng kiến thức về tài chính và công nghệ thông tin để lừa đảo ra sao?

Đức Sơn 11/12/20 - 13:22

Ngày 11/12, Công an TP. Hà Nội tiếp tục phát đi thông báo kêu gọi Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter - một trong những đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng) ra đầu thú.

Liên quan đến vụ việc này, trong quá trình xác minh, điều tra, Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội xác định, Phó Đức Nam (tức Mr Pips, 30 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) là một trong những đối tượng cầm đầu, phối hợp với Lê Khắc Ngọ và một đối tượng người nước ngoài cùng điều hành đường dây lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng này.

Về nhân thân, Nam có kiến thức tốt về tài chính, kinh tế. Sau khi tốt nghiệp THPT, đối tượng là một trong ba người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành học về công nghệ thông tin.

Nam cũng có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, có chứng chỉ IELTS 8.5. Khi thương thảo với người nước ngoài, Nam có thể giao tiếp trực tiếp, không cần phiên dịch viên. Thành tích học tập của Nam cũng rất ấn tượng, tuy nhiên, Mr Pips đã sa ngã trở thành kẻ phạm tội.

img_7520.jpeg
Phó Đức Nam (tức Mr Pips) tại trụ sở Công an.

Cụ thể, Nam sử dụng tài khoản Tiktok Mr Pips để đăng tải các video clip chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh. Nam còn chia sẻ về cuộc sống xa hoa, giàu có của bản thân để kêu gọi, hướng dẫn mọi người cùng đầu tư để kiếm lời. Những tài sản có giá trị như vàng, siêu xe, bất động sản… là “miếng mồi” Nam giăng ra để “bẫy” các nhà đầu tư.

Cơ quan điều tra cũng xác định, Nam và Ngọ đã kết nối, cùng nhau lên kế hoạch lừa đảo từ năm 2021 và phối hợp với một đối tượng Thổ Nhĩ Kỳ, sinh sống ở Campuchia.

Ba đối tượng cùng nhau chỉ đạo 7 người khác tại Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma" đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Trong đó, một công ty tại TP. Hồ Chí Minh làm bình phong và có khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam. Công ty này không đăng ký hoạt động tài chính, chứng khoán nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

img_7528.jpeg
Những hình ảnh về cuộc sống giàu có, xa hoa được Mr Pips chia sẻ lên trang cá nhân.

Tiếp đó, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Bản chất, các trang mạng này được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 - nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.

Thủ đoạn của các đối tượng là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Các đối tượng chỉ đạo nhân viên dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.

Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp các thông tin sai sự thật để khách hàng tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ gạc". Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.

img_7517.jpeg
Một phần số tài sản có giá trị là vật chứng bị cơ quan Công an thu giữ.

Bước đầu, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 31 đối tượng. Trong đó, 26 bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 3 bị can bị khởi tố về tội “Rửa tiền”; 1 bị can tội “Không tố giác tội phạm”; 1 bị can tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Vụ án đang tiếp tục được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mr Pips" sử dụng kiến thức về ti chính v cng nghệ thng tin để lừa đảo ra sao?