Chưa kịp khắc phục hậu quả của đợt lụt trước (từ 7/7 đến rạng sáng ngày 8/7/20), người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang lại tiếp tục phải hứng chịu đợt lụt thứ 3 với mức độ tàn phá cũng nghiêm trọng không kém.
Mưa trút xuống các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Quản Bạ, Vị Xuyên và Bắc Mê khiến lũ dâng cao, cô lập nhiều bản làng, xói lở đường sá.
Từ tối 9/7 đến sáng 10/7, nhiều huyện của Hà Giang mưa liên tục. Trung tâm khí tượng ghi nhận lượng mưa trong 12 giờ qua tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang (Hà Giang) là 500 mm, lớn nhất từ đầu năm; Xuân Minh, huyện Quang Bình gần 350 mm, Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì 200 mm.
Trải qua 3 trận lũ lụt chỉ trong vòng 1 tháng, chị Phạm Thị Tho, 37 tuổi, trú xã Tân Quang, huyện Bắc Quang sống trong ngôi nhà hai tầng ven suối Cầu Quang chia sẻ, đầu tháng 6, lũ về trong đêm, nước dâng nhanh, nhà chị ngập gần 2m. Máy giặt, tủ lạnh hư hỏng nặng.
Cũng theo chị Tho, vào sáng ngày 8/7 vừa qua, nước lũ tràn về làm nhà ngập hơn 1m, nhiều đồ đạc vừa dọn từ đợt lũ đầu tiên lại ngâm nước, bùn đất tràn vào nhà. Hôm qua, gia đình chị vừa dọn dẹp xong thì đến rạng sáng nay lũ lại tràn về.
“Thấy mưa xối xả, vợ chồng tôi thức đến 2h sáng canh lũ. Thấy nước suối dâng cao mấp mé sân nhà, vợ chồng tôi hô hoán 5 gia đình hàng xóm cùng di tản đồ đạc lên cao. Khoảng 20 phút là nước đã tràn vào nhà. Chúng tôi lo lắng không thể ngủ vì sợ sạt lở, lũ quét”, chị Tho chia sẻ thêm.
Tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang - nơi ghi nhận lượng mưa lớn nhất, tỉnh lộ 177 dẫn vào trung tâm xã có 5-6 điểm sạt lở, giao thông tê liệt. Ông Triệu Chàn Khuân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập sáng nay phải đi bộ hơn 4 km vẫn chưa đến được trụ sở cơ quan do nhiều điểm sạt lở phải đi vòng lên vách núi.
Đường liên thôn vào 8 thôn với hơn 520 hộ, gần 2.600 dân của xã Tân Lập cũng xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, nhiều đoạn nước chảy thành suối. “Cả 8 thôn hiện giờ bị cô lập, một số cột điện, cột viễn thông bị gãy nên chưa cập nhật được thiệt hại”, lãnh đạo xã Tân Lập nói thêm.
Theo báo cáo, trong những ngày qua tại huyện Bắc Quang, do mưa, nước suối dâng cao, kéo theo lượng đất, đá sạt lở đã phá hủy hai bên lan can cầu Lùng Thàm, cuốn trôi 20m đường bê tông ở xã Tân Quang. Nhiều tuyến đường vào các thôn của xã Tân Lập bị chia cắt; nhà làm việc của công an xã bị sạt khoảng 50 m3; trụ sở làm việc UBND xã bị tốc mái; nhà làm việc khối đoàn thể sạt taluy âm một phần góc nhà; nhà ở 5 hộ dân bị sạt lở taluy dương; gió lốc làm gãy đổ 2 cột điện đường dây 04 kv; sập đổ m tường bao điểm trường thôn Minh Hạ. Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn về giao thông, hàng chục ha sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản của địa phương. Thiệt hại ước tính trên 2,1 tỷ đồng.
Tại huyện Hoàng Su Phì, trận mưa lớn trong nhiều giờ đã làm 7 hộ bị đất, đá sạt lở vào nhà ở. Tuyến đường tỉnh lộ 177 đi Hoàng Su Phì bị sạt lở nặng. Đặc biệt, đoạn qua km 29 xã Nậm Ty sạt lở taluy dương nghiêm trọng, khối lượng đất, đá lớn; đường xã Thông Nguyên cũng có nhiều vị trí sạt lở; đường liên thôn của các xã Nậm Dịch, Nậm Khòa, Ngàm Đăng Vài bị sụt lún, sạt lở. Hiện các tuyến đường đi vào trung tâm huyện đều ách tắc, các phương tiện chưa thể lưu thông. Trong các đợt mưa lũ kéo dài những ngày qua, huyện đã khẩn trương, kịp thời di dời người và toàn bộ tài sản của 26 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Ước tính thiệt hại của địa phương trong trận mưa đêm đêm 9/7 đến sáng 10/7 trên 1,3 tỷ đồng...
Chỉ trong vòng một tháng qua, tỉnh Hà Giang đã trải qua 3 đợt lũ. Đợt thứ nhất ngày 10/6 khiến 3 người chết, hơn 1.200 nhà bị nước lũ tràn vào, hơn 220 ha lúa, hoa màu ngập úng. Các quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn bị sạt lở gần 18.000 m3 đất đá, bê tông. Đợt thứ hai cách đây một tuần khiến 2 người chết, một cầu treo bị sập, nhiều đoạn đường bị chia cắt.