Mua đất ở để ổn định cuộc sống nhưng xảy ra tranh chấp, làm sao để giải quyết đảm bảo đúng theo trình tự quy định của pháp luật là một trong những vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm.
Bạn đọc Nguyễn Thị Tuyết Hà Nội hỏi: Tôi có mua một mảnh đất của hàng xóm, tại thời điểm mua bán, các giấy tờ mua bán đều hợp lệ. Tuy nhiên, mới đây khi thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất, thì tôi được cơ quan có thẩm quyền thông báo đây là đất đang tranh chấp. Vậy tôi phải xử lý ra sao?
Luật sư Phạm Quang Xá, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời:
Thứ nhất: Bạn nên kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ mua bán và hồ sơ thửa đất.
Trong nội dung câu hỏi, chúng tôi thấy rằng bạn đang nói bạn có “giấy tờ mua bán hợp lệ”, tuy nhiên bạn không nêu rõ giấy tờ của bạn gồm những gì và bạn nhận chuyển nhượng vào thời điểm nào. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng, bạn cần kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ mua bán và các giấy tờ liên quan đến thửa đất đã nhận chuyển nhượng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thời điểm hiện tại phải được lập thành văn bản có công chứng/chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thứ hai: Cần xác định thửa đất đó đang diễn ra tranh chấp gì? đang tranh chấp với ai? Từ thời điểm nào?
Căn cứ tại khoản Điều 3 của Luật đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai chính là việc tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Như vậy, theo quy định trên, tranh chấp đất đai được hiểu đây là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất với các bên khác.
Do đó, để có thể giải quyết được vấn đề của bạn, bạn cần xác định được thửa đất này đang có tranh chấp với ai và tranh chấp về nội dung gì.
Thứ ba: Sau khi tìm hiểu rõ vấn đề bạn có thể thực hiện các bước sau:
Bước 1: Tổ chức thương lượng, đàm phán giữa bạn, bên chuyển nhượng và bên xảy ra tranh chấp. Đây là phương án giải quyết tối ưu nhất, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí thực hiện, đồng thời cũng giúp giữ hoà khí tốt đẹp giữa các bên. Tuy nhiên, khi không thể thương lượng được với nhau thì bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn tại bước 2.
Bước 2: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.
Theo quy định trên, bạn có thể nộp đơn đề nghị hoà giải tại UBND xã nơi có đất đang tranh chấp, đề nghị tổ chức hòa giải giữa các bên. UBND được coi là một bên trung gian độc lập, có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp để đưa ra các lời khuyên về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên để trao đổi. Việc hòa giải này được thực hiện hoàn toàn dựa trên sự thiện chí của các bên. Nếu hòa giải tại UBND không thành thì bạn có thể tiến hành bước 3 là, thực hiện Khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.
Bước 3: Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
“Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận, hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vụ án khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Trong trường hợp hòa giải không thành tại UBND cấp xã, bạn có quyền nộp Đơn khởi kiện, cùng tài liệu, giấy tờ kèm theo tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp nêu trên.
* Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai gồm những giấy tờ như sau:
+ Đơn khởi kiện. (đơn khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai có thể được soạn theo mẫu đơn khởi kiện 23-DS)
+ Biên bản hòa giải tại UBND (bản sao)
+ Căn cước công dân/ chứng minh nhân dân của người khởi kiện, người bị kiện (bản sao)
+ Giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất (bản sao)
+ Hồ sơ, giấy tờ mua bán của bạn (Bản sao)
+ Các giấy tờ liên quan khác.