Văn hóa- Thể thao

Mùa Xuân trẩy hội Hang Bua

Gia Ân-Kế Kiên 28/02/20 09:59

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán vào các ngày 20,21,22 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Hang Bua lại được tổ chức, quy tụ nhiều du khách thập phương về trẩy hội, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, đặc biệt là các hang động kỳ thú của miền non cao.

Hang Bua thuộc địa bàn bản Na Nhàng (nay là bản Hồng Tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP. Vinh 170 km theo Quốc lộ 48 đi ngược về phía Tây Bắc, Nghệ An. Hang Bua nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Èn” thuộc xã Châu Tiến là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái mường Chiêng Ngam.

anh-3.jpg
Cảnh đẹp Hang Bua

Truyền thuyết về Hang Bua cho đến nay vẫn còn lưu truyền trong từng người dân ở xứ sở Phủ Quỳ Châu. Người xưa kể rằng: Trong một trận đại hồng thủy, trời đất tối tăm trong dân gian vẫn lưu truyền câu tiếng Thái: Phạ thùm thuôm mương bốn, sai pìn môn mưa phạ”, nghĩa là: Nước lụt trần gian, cát dưới sông đảo lộn lên trời. Trong cơn đại hồng thủy ấy, người dân Phủ Quỳ Châu, mường Chiêng Ngam đã vào hang trú ngụ.

h1.png
Hang Bua cho đến nay vẫn còn lưu truyền trong từng người dân ở xứ sở Phủ Quỳ Châu

Họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không bị ngủ gật, không bị hóa đá theo lời nguyền. Tuy nhiên, sức người có hạn, nàng công chúa và một số người đã bị hóa đá cùng một số đồ dùng như: bồ lúa, dàn cồng chiêng, giường công chúa nằm, chậu nước... Vì thế mà trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như: ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, thửa ruộng hình bậc thang, những cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng…

Đặc biệt hơn, trong hang có giếng tiên với nguồn nước ngọt mát lạnh. Tất cả cảnh vật đều như được thổi hồn vào, lung linh, sống động nhưng vẫn giữ nét huyền ảo của những huyền thoại, đó là sự giao tranh giữa thần núi - Phí nu phá hủng và thần Nước – Phí nặm huồi hạ, là chuyện tình chung thủy giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật.

anh-5.jpg
Thăm quan cọn nước trên cánh đồng Tạ Chum - Châu Tiến

Tạo hóa đã ban tặng cho con người một Hang Bua kỳ vĩ. Bởi vậy, Hang Bua từ ngàn xưa là nơi cư trú của người Việt cổ. Việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Thẳm Ồm cách chúng ta trên 25 vạn năm và các dấu tích văn hóa ở Hang Bua đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng đây là một trong những nơi phát hiện dấu vết của người Sa Piêng sớm nhất thế giới. Năm 1996, Lễ hội Hang bua được khôi phục, năm 1998 di tích danh thắng Hang bua được Bộ Văn hóa thông tin xếp Hạng di tích danh thắng Quốc gia.

Đến hội Hang Bua, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông xanh ngát của Mường Chiêng Ngam rộng lớn gồm các xã Châu Tiến, Châu Bính cùng những bản làng Thái cổ, sầm uất, yên vui với nhiều hoạt động du ịch sinh thái cộng đồng, homestay.

anh-4.jpg
Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm của đồng bào Thái.

Người Thái có câu ca: “Mương Chiêng Ngam ky pá xám nặm, Lục từ chảu, pày cằm ma biêng”. Nghĩa là: Mường Chiêng Ngam ăn cá ba sông, dậy từ sớm để đi ngắm vẻ đẹp đến chiều vẫn chưa đi hết, vì nơi đây là nơi hợp lưu của ba con sông: Sông Hạt, sông Quàng, sông Việc để rồi ra sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ rồi hòa dòng sông Lam xuôi ra biển Đông.

Trước khi dự lễ khai hội các đại biểu và du khách dự lễ Đại tế được tổ chức trang nghiêm, với những nghi lễ truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái tại Đền mường Chiêng Ngam. Nơi thờ các vị Thành Hoàng Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông người có công lập bản dựng Mường.

Đây là một Lễ hội văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần mang đậm nét văn hóa tâm linh gắn liền với những truyền thuyết huyền thoại về thuở lập bản dựng Mường trong tâm thức dân gian của người dân miền núi khu vực tây bắc Nghệ An nói chung, đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng.

Lễ hội diễn ra với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như giao lưu văn nghệ các vùng miền, hát nhuôn, hát suối, nhảy sạp, khắc luống, bắn nỏ, kéo co, ném còn. Thi Văn nghệ, Thi người đẹp Hang Bua, trình diễn Nghi lễ Xăng Khan, trình diễn sinh hoạt Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái; thi quay tơ - thêu dệt; Văn hóa ẩm thực; cuốn Hương trầm; viết chữ Thái, thi Cồng chiêng, Khắc luống, Nhảy sạp; thi cắm trại…

Các hoạt động Thể thao: Thi đấu Bóng chuyền Nam, Nữ; Bắn nỏ, đẩy gậy, đi kà kheo, kéo co, ném còn, tò mạc lẹ, bịt mắt bắt vịt.... mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Lễ hội diễn ra 3 ngày từ ngày từ ngày 29/02 đến hết 02/3/20 (Thứ 5, thứ 6 và thứ 7, nhằm ngày 20-21-22 tháng Giêng Âm lịch). Đây cũng là dịp để du khách tham quan thưởng ngoạn các hang động đẹp như: Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt.... là những quần thể hang động trong lòng dãy núi đá vôi Phà Ẻn thuộc đất mường Chiêng Ngam... Tham quan Làng Thái cổ Hoa Tiến, trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến...

Những năm gần đây, Lễ hội Hang Bua, Đền thành hoàng Mường Chiêng Ngam dần đã trở thành điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội.

anh-2.jpg
Môn bắn nỏ được thi trong ngày tổ chức lễ hội Hang Bua

Mỗi năm, đã có hàng trăm lượt du khách trong và ngoài tỉnh tìm về sắm sửa lễ vật, cùng gia đình bạn bè, nguời thân phấn khởi, nô nức đến với Đền thành hoàng Mường Chiêng Ngam dâng hương, kính lễ, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mọi điều may mắn, sung túc, an vui. Đã nghe thấy đâu đây lời ca cất lên du dương mời gọi và tiếng cồng, tiếng chiêng tiếng trống linh thiêng vang lên trên miền Tây Bắc Xứ Nghệ như cùng hòa ca mở hội Hang Bua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
M a Xuân trẩy hội Hang Bua