Thời gian qua, TAND tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tổ chức công tác hòa giải, đối thoại ở nhiều bước, nhiều khâu, trong quá trình giải quyết tố tụng dân sự và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Công tác hòa giải trong tố tụng dân sự được xác định là phương thức hiệu quả để đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, giải quyết triệt để các tranh chấp trong xã hội; tạo thuận lợi cho việc thi hành án, hạn chế tối đa việc kháng cáo, kháng nghị, rút ngắn thời gian giải quyết án; giúp tiết kiệm chi phí, công sức của đương sự và Nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân.
Tuy nhiên, những vụ, việc được TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận, thụ lý thường có tính chất rất phức tạp về tranh chấp, hoặc khởi kiện hành chính. Trong khi đó, phần đa những vụ, việc được đương sự khởi kiện, đề nghị Tòa giải quyết thường thiếu hồ sơ, chứng cứ pháp lý, nhất là các vụ, việc khởi kiện hành chính. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức hòa giải bị đơn (bên bị khởi kiện) thường vắng mặt, nên việc tổ chức gặp nhiều khó khăn...
Xác định rõ vai trò của công tác hòa giải, đối thoại, gắn với thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị và Quyết định số 763-QĐ/TU ngày /10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, quan tâm làm tốt công tác hòa giải tất cả các bước trong quá trình giải quyết tố tụng dân sự. Động viên Hòa giải viên, Thẩm phán ở tòa án hai cấp kiên trì giải thích kiến thức pháp luật, nắm bắt tâm lý, vận động các bên đương sự, phấn đấu tổ chức hòa giải thành các vụ, việc ở mức cao nhất.
Tại TAND tỉnh Thanh Hóa các đơn khởi kiện của đương sự được phân loại theo tính chất, mức độ tranh chấp để giao cho các tòa, bộ phận có liên quan tổ chức giải quyết. Với những vụ, việc, đương sự đồng ý tổ chức hòa giải, hoặc có cơ sở để hòa giải, lãnh đạo TAND tỉnh đã giao Trung tâm hòa giải đối thoại giải quyết theo luật định. Còn những vụ, việc phức tạp hơn được giao đến các tòa chuyên môn và phân công Thẩm phán giàu kinh nghiệm trực tiếp giải quyết.
Tại Trung tâm hòa giải, đối thoại, sau khi tiếp nhận vụ, việc, các hòa giải viên đã liên hệ xác minh thông tin đương sự cũng như tính chất, mức độ tranh chấp. Tìm hiểu, nắm bắt nguyên nhân, bản chất của tranh chấp, quan hệ pháp luật cần phải giải quyết qua nhiều kênh thông tin như chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Yêu cầu các bên đương sự cung cấp hồ sơ, chứng cứ chứng minh... Trong đó, việc nắm bắt tâm lý của các bên đương sự đóng vai trò quyết định thành bại của phiên hòa giải. Thời gian tổ chức phiên hòa giải cũng được thống nhất theo hướng đề xuất của nguyên đơn.
Quá trình hòa giải, hòa giải viên đã tuyên truyền, giải thích kiến thức pháp luật có liên quan cho các đương sự. Xây dựng thái độ thân mật, cởi mở, chân thành và tôn trọng lẫn nhau giữa các bên trong phiên hòa giải. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hòa giải 123 vụ, việc, trong đó, có vụ hòa giải thành. Cá biệt, sau khi được hòa giải viên tuyên truyền, giải thích pháp luật, đã có 5 nguyên đơn chủ động rút đơn, dừng khởi kiện. Số vụ, việc còn lại được chuyển đến các tòa giải quyết theo luật định.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động... Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã yêu cầu tòa án hai cấp trong tỉnh quan tâm, chủ động hòa giải theo phương châm “Kiên trì, không nóng vội, nhưng cũng không thể kéo dài”. Quá trình hòa giải, Thẩm phán, Hòa giải viên căn cứ vào tính chất vụ án, đối tượng khởi kiện để lựa chọn phương thức hòa giải phù hợp, kết hợp việc sử dụng lời nói với các tài liệu, chứng cứ để thuyết phục đương sự. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức hòa giải cho Thẩm phán, Hòa giải viên ở tòa cấp huyện cũng được TAND tỉnh quan tâm, tổ chức.
Theo báo cáo của TAND tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 20, TAND hai cấp trong tỉnh đã hòa giải thành 3.272 vụ, đạt tỷ lệ 60,3%. Trong đó, có 531 vụ dân sự; 2.635 án hôn nhân - gia đình; 105 án kinh doanh - thương mại, 1 án lao động.
Trong giải quyết các vụ việc, các Thẩm phán ở TAND hai cấp luôn dành thời gian thỏa đáng, tạo cơ hội để các bên tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết nội dung vụ án. Đồng thời động viên, gợi mở hướng thỏa thuận các đương sự tiếp tục bàn bạc, thương lượng, thống nhất tự giải quyết tranh chấp, hoặc tự nguyện rút đơn khởi kiện... Với cách làm này đã có nhiều vụ, việc không phải đưa ra xét xử, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian của đương sự và Nhà nước, củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.