Những năm qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có bước phát triển nhanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn vùng. Bên cạnh những kết quả tích cực, du lịch ĐBSCL vẫn còn những hạn chế, trong đó nổi lên là vấn đề thực thi pháp luật du lịch.
Vẫn còn những “hạt sạn”
Trong 6 tháng đầu năm 20, hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực ĐBSCL có bước tiến triển khá tốt, cụ thể: ước tổng số khách đến ĐBSCL gần 30 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch là 34.871,782 tỉ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023.
Tại TP Cần Thơ, tổng số du khách đến thành phố trong 6 tháng đầu năm 20 đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng 5% so với kỳ và đạt 61% kế hoạch năm. Trong đó, khách lưu trú ước đạt hơn 1,6 triệu lượt và tăng 7% so cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch trong 6 tháng ước đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và đạt 55% kế hoạch năm. Theo kế hoạch năm 20, Cần Thơ dự kiến đón 6,1 triệu lượt khách; trong đó khách lưu trú đạt khoảng 3,1 triệu lượt và tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tại tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm 20, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát triển cả về doanh thu và lượt khách, tổng lượt khách đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 42,23% so với cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Du lịch Kiên Giang trong 6 tháng đầu năm 20 đón hơn 5,4 triệu lượt khách, tăng 11% so cùng kỳ năm 2023, đạt 59,2% kế hoạch năm, trong đó, hơn 508.640 lượt du khách quốc tế, đạt 74,8% kế hoạch, tăng 45,1%; tổng thu du lịch khoảng 13.394 tỷ đồng, tăng 27,7% so cùng kỳ năm 2023, đạt 67% kế hoạch.
Có thể thấy, du lịch tại ĐBSCL có bước phát triển tốt, đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, du lịch ĐBCL vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại những hạn chế như: thiếu tính liên kết, thiếu hụt nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và nổi bật là tình hình thực thi pháp luật trong du lịch chưa được quan tâm đúng mức, một số địa phương thực hiện chưa đúng và đủ các quy định của pháp luật.
Theo ông Thái Rết, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, một số khu di tích, khu du lịch tại ĐBSCL vẫn còn để xảy ra tình trạng móc túi, chèo kéo du khách… thậm chí ép du khách mua đồ với giá “cắt cổ”.
Đơn cử như tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang)… thời gian qua đã xảy ra tình trạng chèo kéo du khách mua nhang, trái cây, đi xe ôm… Hay như tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), cũng đã xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách tại một số nhà hàng, quán ăn, chợ dân sinh… rồi một số khách sạn tự ý nâng giá phòng vào giai đoạn cao điểm.
Đặc biệt là vẫn còn tình trạng chấp hành pháp luật về môi trường chưa tốt, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, chậm thu gom xử lý tại các điểm, khu du lịch… rồi tình trạng hàng rong, ăn xin bủa vây quanh các khu du lịch…
Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng đâu đó, tình trạng trên vẫn xảy ra, gây không ít phiền hà cho du khách và phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch địa phương nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát một phần từ công tác tổ chức tuyên truyền pháp luật Luật Du lịch và các văn bản có liên quan chưa được quan tâm đúng mức, từ đó chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu trong tổ chức thi hành pháp luật… dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp du lịch và kể cả du khách chưa nhận thức được nhiều các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch;
Các văn bản có liên quan, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về du lịch tại một số địa phương vẫn chưa được thực hiện triệt để, thường xuyên; một số nơi chưa giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các khiếu nại, kiến nghị của du khách.
Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp du lịch còn chưa tương xứng và chưa đủ sức răn đe dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp du lịch thực hiện chưa nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán dịch vụ đúng giá niêm yết.
"Đơn cử như khoản 1 Điều 10 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú không niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định có thể sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân).
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền với cá nhân. Tuy nhiên, định mức xử phạt này còn rất thấp so với giá trị lợi nhuận mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú thu về, chưa đủ tính răn đe", ông Thái Rết, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng dẫn chứng.
Công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra ở một số nơi chưa được tổ chức, triển khai thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, không bám sát thực tiễn phát sinh. Dẫn đến việc các cá nhân, tổ chức không có giấy phép vẫn hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc kinh doanh dịch vụ du lịch không đúng với giấy phép, các hành vi vi phạm hoạt động du lịch vẫn thường xuyên xảy ra nhưng không phòng ngừa và giải quyết kịp thời...
Cần chú trọng thực thi pháp luật
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật về du lịch, qua đó tạo niềm tin và nâng cao hình ảnh du lịch ĐBSCL, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp Luật Du lịch dưới nhiều hình thức; đặc biệt là có thể tổ chức các phiên toà lưu động hoặc giả định xử phạt về các tội xâm phạm đến hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung;
Xử phạt thật nghiêm đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch như: xâm hại tài nguyên và môi trường du lịch; chặt chém, chèo kéo, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh; sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành không đúng; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề…
"Theo tôi, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch cần được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển, tính đặc thù của lĩnh vực này; cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính mà mức xử phạt còn thấp so với lợi ích mà chủ thể vi phạm có được.
Điều này tránh trường hợp cá nhân, tổ chức chấp nhận vi phạm hành chính, chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính bởi lợi ích thu được rất cao so với mức phạt. Từ đó, để siết chặt và tăng tính răn đe trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, các mức phạt phải đủ sức tác động, ảnh hưởng đối với cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, kể cả nghiên cứu bổ sung quy định về các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch", Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Cũng theo ông Thái Rết, cần bổ sung vào Nghị định số 45/2019/NĐ-CP các hành vi cần được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch như sau: hành vi sử dụng biển hiệu, phương tiện vận tải du lịch giả; hành vi sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ gây nhầm lẫn cho khách hàng về hạng của cơ sở du lịch lưu trú; hành vi quảng cáo sai sự thật đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tương ứng với mỗi hành vi, cần xây dựng các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, hình thức xử phạt bổ sung thích hợp để tránh tình trạng cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần thường xuyên tăng cường, thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại các cơ sở lưu trú, các điểm đến du lịch; kiểm tra, xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo, ép giá, bắt chẹt khách du lịch và tình trạng hàng rong, ăn xin tại các điểm đến du lịch, các cơ sở lưu trú và xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định hiện hành;
Gắn với công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ, các cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh du lịch đầy đủ, đúng thời gian; thực hiện đúng quy định về công tác lưu trữ hồ sơ đoàn khách; các hướng dẫn viên du lịch làm đúng quy định của pháp luật khi hành nghề;
Tham mưu kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết những đề xuất của doanh nghiệp về thủ tục quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh; quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp, lắng nghe những vướng mắc, khó khăn để hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.
Ngày mai (20/9), tại TP Cần Thơ, Báo Công lý - Cơ quan ngôn luận của TANDTC phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hàng chục bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Ban tổ chức đã chọn ra 22 tham luận để in kỷ yếu, trong đó có 7 bài tham luận sẽ trình bày tại hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý; các chuyên gia, các viện, trường đại học, cao đẳng du lịch và các tổ chức kinh doanh du lịch tại ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL... từ đó thúc đẩy sự phát triển vươn lên mạnh mẽ của du lịch ĐBSCL, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và toàn vùng ĐBSCL.