Cứ mỗi độ tháng Bảy về, lòng ta lại lâng lâng bao cảm xúc. Vì Tổ quốc, vì Nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong nhiều năm qua, người làm Báo Công lý luôn giữ trong mình sự biết ơn thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hành trình mỗi chuyến đi là những ký ức không bao giờ quên đối với cán bộ, nhân viên của báo.
Từ nơi địa đầu Tổ quốc đến miền đất lửa
Trong chuyến hành trình Công lý và Trái tim, Báo Công lý đặt chân đến miền quê cội nguồn của quê hương Cách mạng, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) với tấm lòng thành kính tri ân những người có công với đất nước. Báo Công lý tiếp tục đến với những bản làng còn khó khăn nơi biên giới, mỗi người dân nơi đây là những chiến sĩ gìn giữ từng gốc cây, ngọn cỏ.
Tại huyện Bảo Lạc-tỉnh Cao Bằng, Đoàn công tác Báo Công lý đã đến viếng nghĩa trang Đồng Mô- nơi Tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh khi diệt đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng), trong trận đánh thứ ba của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ông cũng là liệt sỹ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong danh sách 34 đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được khắc trên tấm bia ở Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Nhủng - bí danh Xuân Trường được xếp số 26 theo thứ tự.
Trận đánh đồn Đồng Mu kéo dài ba tiếng, từ đêm mùng 4 đến rạng sáng ngày 5/2. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân diệt được 20 lính, bắt 3 tù binh, thu 5 khẩu súng trường Mousqueton. Phía quân giải phóng, Tiểu đội trưởng Xuân Trường anh dũng hy sinh.
Và để rồi mùa xuân nơi biên cương, khi tháng tháng Bảy về, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc yêu thương, những nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương lại nườm nượp những bước chân của từng đoàn khách từ già đến trẻ đến tri ân. Nhưng dù có bao nhiêu người, vẫn là những dòng người lặng lẽ, đi lại nhẹ nhàng tại các nghĩa trang. Vì ai cũng hiểu, những Anh hùng liệt sỹ nơi đây đang ngủ. Họ được ôm ấp bởi đất mẹ và ngủ giấc ngủ ngàn thu. Không ai nói to, cười lớn. Không ai gây tiếng động lớn để giữ giấc ngủ cho các anh, các chị nơi đây.
Những ngày tháng Bảy trên những con đường của Hà Giang, từng đoàn xe, đoàn người nối tiếp nhau trở về chiến trường xưa tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã dành cả thanh xuân để bảo vệ từng gốc cây, ngọn cỏ nơi biên cương của Tổ quốc.
Vị Xuyên ngày ấy được ví là "lò vôi thế kỷ"- nơi chiến trường ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm (1979-1989) với lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”...
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang - nơi an nghỉ của gần 1.900 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Trong số gần 1.900 ngôi mộ ở đây, hơn nửa “chưa xác định được danh tính” nhưng họ vẫn còn may mắn hơn hàng ngàn đồng đội nằm cạnh trong mộ tập thể hoặc những người vẫn còn nằm lại nơi các sườn núi đá hay cao điểm phía xa xa mà chưa thể quy tập được hài cốt.
Nếu tính riêng mặt trận Hà Giang, con số cán bộ chiến sĩ nằm lại mảnh đất này lên tới hàng vạn người qua suốt 21 năm xung đột biên giới phía Bắc (từ 17/2/1979 đến năm 1990). Hòa bình lập lại, những người lính Hà Giang và đặc biệt là các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã liên lạc với nhau trở lại mặt trận Vị Xuyên tìm kiếm đồng đội đã ngã xuống. Họ tiên phong, tiến hành vận động anh em cùng lập đài hương cho đồng đội, quy tập một nơi cho những người đã dành cả thanh xuân cho mảnh đất này có “mái ấm sum vầy”. Để rồi, cuối năm 2013 - 2014, đài hương hoàn thành đặt tại cao điểm 468.
Hàng năm (ngày 12/7), những người lính từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đều hẹn về thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ những người đồng đội của mình đã nằm lại nơi biên cương Tổ quốc.
Trong trạng thái lặng yên và mặc niệm của tháng Bảy tri ân, đoàn công tác Báo Công lý tiếp tục những cuộc hành trình về mảnh đất thiêng nơi hàng ngàn Anh hùng liệt sỹ yên nghỉ ở Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào.
Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác là Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây được biết đến như một khúc tráng ca về tinh thần bất khuất, anh hùng của lực lượng Thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không gian khu tưởng niệm được trang hoàng với cờ đỏ sao vàng cùng những lẵng hoa tươi thắm. Bước chân vào không gian khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, ít ai có thể hình dung được, chính ở vị trí này, cách đây hơn 50 năm, từng là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên tuyến đường huyết mạch 1A. Ngã ba này từng được coi là “yết hầu”, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam ruột thịt.
Tại Ngã ba Đồng Lộc, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Các chị đã anh dũng hy sinh ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, để hóa thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
Trong chuỗi hành trình, Đoàn tiếp tục đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sỹ từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Dù được đến nhiều nhưng mỗi lần trở lại đây những cảm xúc trong đoàn vẫn vẹn nguyên. Đó là những cảm nhận khi chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa. Hình ảnh những nghĩa trang với bạt ngàn ngôi mộ liệt sỹ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Cả khu nghĩa trang là một màu trắng: Màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút càng khiến Đoàn công tác Báo Công lý không khỏi nghẹn lòng, càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do.
Đứng trước hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của cha anh để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông. Họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Máu của các anh, các chị đã tô thắm cho những trang sử hào hùng của dân tộc. Những địa chỉ này không chỉ như một trường học lớn, tôi luyện tinh thần yêu nước mà còn là di sản vô giá cho các thế hệ mai sau.
Địa danh tiếp theo có lẽ là nơi mà người dân Việt Nam đã ít nhất một lần được nghe đến "Thành cổ Quảng Trị". Trong suốt chiều dài lịch sử, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ Quảng Trị không chỉ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của địa phương, mà còn có vị trí quan trọng to lớn đối với tiến trình phát triển của dân tộc. Đặc biệt, trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị vẫn luôn là bản tráng ca hào hùng của toàn thể nhân dân cả nước, là bức tranh đẫm máu và hoa cùng với bao trận đánh anh dũng khác làm nên kỳ tích, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước…
Đặc biệt, trong hành trình tri ân năm nay, Đoàn công tác Báo Công lý đã đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào. Đây cũng là nghĩa trang lớn nhất, quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Điều rất đặc biệt, đây là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc.
Hàng năm, đội quy tập hài cốt liệt sỹ thuộc Quân khu IV đều tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp các ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào, Sa-va-na-khẹt, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn... để kiếm tìm những người con đất Việt hy sinh trên nước bạn Lào năm xưa. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sỹ hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.
Thăm viếng nghĩa trang, nhiều người đã lặng lòng trước hàng ngàn phần mộ chưa rõ tên và quê cũng như có tên mà chưa rõ quê. Cả nghĩa trang, có hơn 7.400 ngôi mộ như thế. Các anh là ai? Quê quán ở đâu?
Không chỉ là nơi an nghỉ của các liệt sỹ, nơi đây còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nơi thể hiện lòng biết ơn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý đã không tiếc máu xương cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng, vì sự nghiệp Quốc tế cao cả. Trong không gian trang nghiêm, Đoàn công tác Báo Công lý đã thắp hương, tưởng niệm các liệt sỹ, những người đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc.
Ngọn nến hồng tri ân – Những mái nhà báo đáp
Theo dòng chảy thời gian, với sứ mệnh riêng của mình, Báo Công lý đã và đang làm tốt vai trò của một tờ báo thuộc cơ quan Tư pháp. Bên cạnh đó, những năm qua, Báo Công lý ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả bằng các hoạt động thiện nguyện như “Xuân biên cương”, “Hành trình Công lý - Trái tim”, “Góp đá xây trường”, “Trao tặng cờ Tổ quốc dọc biên giới tại các tỉnh phía Bắc”, ngôi nhà đại đoàn kết, tấn gạo nghĩa tình,…
Tại Cao Bằng, Báo Công lý cùng hệ thống TAND hai cấp tỉnh Cao Bằng trao dọc biên giới Việt- Trung 12.500 lá cờ Tổ quốc; 02 điểm trường tại Hà Quảng, Bảo Lạc; 03 căn nhà tình nghĩa tại Nguyên Bình, Bảo Lạc; kết nối nhà tài trợ nuôi 02 em nhỏ mồ côi học tới năm 18 tuổi; hàng trăm xuất quà nhu yếu phẩm, 1.5 tấn gạo đến các bản làng khó khăn.
Tại Hà Giang, Báo Công lý cùng lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Hà Giang, trong chuỗi hoạt động chương trình thiện nguyện tại Hà Giang, Báo Công lý và nhà tài trợ thực hiện trao tặng 2.000 cờ Tổ quốc cho các xã biên giới của huyện Mèo Vạc; tặng 01 ngôi nhà Đại đoàn kết tại xã Sơn Vĩ; 02 tấn gạo cho bà con nghèo ngày giáp hạt.
Bên cạnh đó, Đoàn gửi tặng món quà thân thương cho Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn), Đồn Biên phòng Sơn Vĩ và Công an xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc). Tổng kinh phí cho đợt trao tặng quà lần này là hơn 200 triệu đồng.
Đợt 2, tháng 3 năm 20, Báo Công lý khánh thành ngôi nhà Đại đoàn kết tại Sơn Vĩ, tặng 01 ngôi nhà tại Yên Minh; trao 2.000 cờ Tổ quốc cho các xã biên giới huyện Yên Minh và Đồn Biên phòng Lũng Cú. Đặc biệt trong hành trình ấy, đoàn dành những món quà nhỏ trao tặng quà cho nhân dân xã Cao Bồ- huyện Vị Xuyên.
Chiến tranh khiến những cuộc chia ly là tử biệt, khiến những lời ước hẹn đoàn viên mãi mãi dang dở. Dù chiến tranh đã qua đi, dù non sông hai miền đã nối liền một dải nhưng trên khắp đất nước Việt Nam, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai, đặc biệt là với những người ở lại.
Cùng với hành trình tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, trong mỗi chuyến đi, Đoàn công tác Báo Công lý còn tổ chức những chương trình thiện nguyện hướng về những vùng xa xôi, những mảnh đời khó khăn. Với mong muốn góp phần bé nhỏ của mình để làm vơi bớt đau thương, san sẻ khó khăn với người dân nơi dải đất một thời hoa lửa.
Về “miền đất lửa” Quảng Trị với những “địa chỉ đỏ”: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9; Thành cổ Quảng Trị - nơi ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Báo Công lý đã tặng quà là kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 02 cán bộ có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ về nhà ở trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi giao lưu ngày 12/7, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị Lê Thiết Hùng cho biết: TAND tỉnh Quảng Trị và TAND Đông Hà vui mừng và xúc động khi được gặp gỡ, giao lưu với Đoàn công tác “Hành trình về miền đất lửa” của Báo Công lý. Thay mặt cho những cán bộ, công chức, người lao động được nhận hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa xin gửi lời cảm ơn đến đồng chí Tổng Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Công lý. “Món quà ý nghĩa này là nguồn động viên để các cán bộ Tòa án có hoàn cảnh sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn”, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị nói.
Trong chuyến công tác, Báo Công lý phối hợp cùng TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức giao lưu và tặng quà là kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 02 cán bộ có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ về nhà ở; tặng xe đạp cho 10 học sinh có thành tích học tập tốt là con em của cán bộ trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh.
Trong chuyến hành trình “Công lý và Trái tim”, Đoàn công tác Báo Công lý đã tới thăm hỏi và trao quà tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hoá. Trung tâm hiện có 100 cán bộ, nhân viên thì có tới 2/3 là điều dưỡng, đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng gần 250 người có công, nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, có những người rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thần kinh, tâm sinh lý, có những người không tự sinh hoạt được, phải ngồi xe lăn, nằm liệt một chỗ. Đoàn đã trao 95 phần quà cho thương binh, bệnh binh và mẹ liệt sỹ. (Mỗi suất quà gồm: Túi quà + 500.000 đồng). Có đến đây, chúng tôi mới thấu hiểu được rõ ràng những nỗi đau của người mẹ, người vợ vĩnh viễn mất chồng, mất con; những thương binh mất đi một phần thân thể và những di chứng bệnh tật, chất độc da cam hành hạ dai dẳng sau chiến tranh.
Suốt những cuộc hành trình, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh - Trưởng đoàn công tác luôn xác định công tác xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo. Song song với việc phát triển, hoàn thành công tác chuyên môn thì những việc làm thiện nguyện, công tác “đền ơn, đáp nghĩa” là hoạt động thường xuyên của Báo. Để thể hiện lòng biết ơn của người làm Báo Công lý với những hy sinh to lớn của các bậc cha, anh đi trước.
Có lẽ, thời gian không ngừng trôi, mái tóc những người lính sau chiến tranh trở về hôm nay đã ngả bạc, nhưng dòng máu đỏ nhiệt huyết tuổi trẻ năm nào vẫn còn nguyên ký ức về đồng đội- những bông hoa hoá đá bất tử nơi địa đầu của Tổ quốc. Tháng 7 về, những bản hùng ca trên đất Việt bất khuất, kiên trung vẫn còn vang mãi trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Ngày hôm nay, trên dải đất hình chữ S cây đã xanh, hoa đã nở, đồng bào nơi đây có cuộc sống ấm no, mỗi người dân nơi đây đều biết bảo vệ những giá trị cha anh, giữ gìn linh thiêng từ nơi địa đầu của Tổ quốc đến tận cùng dải đất nước. Và những lời "thì thầm non sông" của các anh vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc, trong mỗi trái tim con người Việt Nam.