Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống hàng ngày, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Mông ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Nhằm giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc Mông qua những sản phẩm dệt lanh. Chị Sùng Thị Máy cùng một nhóm các chị em có nghề dệt đứng lên thành lập HTX dệt lanh Cán Tỷ vào năm 2010.
Khi mới thành lập HTX dệt lanh Cán Tỷ, sản phẩm lanh của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ các cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các lễ hội, hội chợ, khu du lịch… nên sản phẩm lanh của HTX dần có chỗ đứng, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng.
Những năm đầu thành lập HTX chỉ có thành viên, đến nay con số này đã tăng lên gần 30 thành viên. Thu nhập bình quân đạt khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng, tùy vào số lượng sản phẩm làm ra.
Sản phẩm dệt lanh của HTX dệt lanh Cán Tỷ đã được xây dựng trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Nhiều đơn đặt hàng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã tìm đến với HTX.
Để sản phẩm của HTX có thể bắt kịp với nhu cầu của thị trường khách hàng, HTX dệt lanh Cán Tỷ đã không ngừng học hỏi, cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với trên 18 mẫu sản phẩm gồm: Đồ để trang trí, tranh treo tường, miếng trải gối, túi xách, balo, túi đựng điện thoại… với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Những sản phẩm đó trở thành hàng lưu niệm được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Đặc biệt các họa tiết, hoa văn trang trí trên các sản phẩm của HTX đều được các chị em vẽ bằng sáp ong và thêu tay. Trung bình các sản phẩm tại đây có giá trị giao động từ 60.000 đồng – 1.500.000 tùy từng mẫu mã, kích thước.
Chị Sùng Thị Máy, Giám đốc HTX dệt lanh Cán Tỷ chia sẻ: “Sau khi kiện toàn và thống nhất lại thành viên HTX vào năm 2017, đến nay việc phát triển của HTX đã được nâng lên, các sản phẩm làm ra đã tìm được thị trường ổn định như Hà Nội, Sài Gòn, các cửa hàng trưng bày sản phẩm đặc sắc ở một số điểm dừng chân… Ngoài ra sản phẩm bán cho khách du lịch, tham quan cũng tăng lên rõ rệt”.
“Để có một sản phẩm ưng ý, phải thực hiện nhiều khâu. Đến khi hoàn thiện một sản phẩm phải mất 37 công...”, chị Sùng Thị Máy chia sẻ thêm.
Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông chủ yếu phục vụ nhu cầu của người thân và gia đình. Ngày nay, các sản phẩm từ nghề dệt lanh của HTX đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan, người tiêu dùng và đã có mặt tại hầu hết các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Có thể thấy, HTX dệt vải lanh Cán Tỷ ra đời không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa, mà còn trở thành địa điểm được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến khi du lịch ở Hà Giang.
Ngày nay, ngoài việc xe lanh dệt vải theo kiểu truyền thống, các thành viên của HTX dệt lanh Cán Tỷ còn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt phù hợp với thị hiếu của mọi người.
Dưới đây là một số hình ảnh sau khi sản phẩm đã hoàn thiện: